Khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 09:49, 13/10/2015
Với quan điểm trên, một lần nữa Đảng, Nhà nước ta tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Với đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, DNTN đã thực sự trở thành một thành phần kinh tế quan trọng của đất nước. DNTN phát triển mạnh đã huy động được nội lực, trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân trong việc đầu tư vốn liếng mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp xây dựng đất nước.
Riêng đối với tỉnh Đắk Nông, thực tế cũng không nằm ngoài bối cảnh phát triển chung đó. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3.217 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, chủ yếu là DNTN; trong đó có 1.889 doanh nghiệp đang hoạt động, với nguồn vốn đăng ký bình quân 8,81 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào một số ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh như sản xuất alumin, nhôm, chăn nuôi đại gia súc, chế biến lâm sản, xây dựng hạ tầng giao thông…
Điều đáng nói hơn cả là trong khi không ít doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ thì các DNTN lại kinh doanh ngày càng hiệu quả, đóng góp phần lớn cho ngân sách tỉnh hàng năm cũng như giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, với mức lương khá.
Doanh nhân Phạm Quang Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Gia Nghĩa (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nấm công nghiệp cho công nhân. Ảnh: Thanh Nga |
Trong những năm qua, bằng việc cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, về phía tỉnh cũng đã ban hành các chính sách về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp và chỉ đạo triển khai thực hiện. Cụ thể như: Chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức và đưa doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, tìm kiếm khách hàng, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để tiêu thụ các mặt hàng nông sản…
UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương cũng thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, qua đó tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống quản lý chất lượng được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đầu tư, đăng ký kinh doanh, triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng được chú trọng nhằm ngăn chặn gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của tỉnh thì mặc dù DNTN có sự phát triển khá nhanh, nhưng nhìn chung, hệ thống doanh nghiệp vừa ít, vừa yếu kém, nhỏ bé, sản phẩm đơn giản, hàm lượng kỹ thuật thấp, sức cạnh tranh yếu.
Không ít DNTN quy mô còn nhỏ, công nghệ lạc hậu, việc nắm bắt thị trường, tìm các phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của địa phương còn hạn chế. Một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách thông thoáng để thành lập, nhưng không thực hiện kinh doanh tại trụ sở đã đăng ký, mua bán hóa đơn, gây khó khăn trong việc quản lý.
Vì vậy, hàng năm, ngành chức năng cũng phải xử lý, xóa tên nhiều DNTN theo đúng quy định của pháp luật. Rõ ràng, trong cơ chế thị trường hiện nay, việc thành lập một DNTN không khó, cái khó nhất là doanh nghiệp đó có thể tồn tại và phát triển được hay không.
Sản xuất than sạch tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nguyễn Toàn (Gia Nghĩa). Ảnh: L.D |
Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến hoạt động của các DNTN còn nhiều hạn chế, hiệu quả sản xuất kém, sức cạnh tranh chưa cao…đó là do khả năng nguồn lực, hay nói một cách khác là nguồn tài chính còn rất hạn hẹp. Với số vốn đăng ký hoạt động bình quân của mỗi doanh nghiệp là trên 8,8 tỷ đồng như đã nói trên, cho dù đã tăng hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng vẫn không đáng là bao so với đòi hỏi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh ngày càng cao, chứ chưa nói gì đến việc đầu tư để đổi mới trang thiết bị, công nghệ.
Vốn liếng ít, nhưng ngoài vốn tự có, để có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng không phải dễ dàng, đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ những quy định về tài sản thế chấp, lãi suất vay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang thiếu nguồn lao động có tay nghề và gặp nhiều khó khăn trong khâu tuyển dụng, buộc phải bỏ kinh phí, thời gian để đào tạo lao động tại chỗ. Việc tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp cũng gặp khó không ít…
Trước thực tế trên, các sở, ban ngành, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục đổi mới cách nhìn nhận về thành phần kinh tế này và có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện cho các DNTN được bình đẳng trong kinh doanh, làm ăn hiệu quả. Hàng năm, tỉnh cần tổ chức khảo sát, đánh giá khó khăn, vướng mắc và các nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ một cách kịp thời, đồng bộ.