Muôn kiểu khởi nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 09:28, 01/08/2017
Kinh doanh hàng khuyến mãi
Xuất hiện trên thị trường chưa bao lâu, nhưng loại hình kinh doanh hàng khuyến mãi đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Nguyễn Thị Mai ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) là một trong những người đầu tiên kinh doanh loại mặt hàng này. Theo Mai, hàng khuyến mãi là hàng tặng đi kèm của các nhãn hàng lớn, có thương hiệu. Thông thường, vào các dịp lễ, tết hoặc để kích cầu, các nhà sản xuất thường có các chương trình khuyến mãi cho người tiêu dùng.
Khởi nghiệp từ việc kinh doanh hàng khuyến mãi, Nguyễn Thị Mai từng bước ổn định cuộc sống |
Hiện nay, hầu như mặt hàng nào cũng có hàng khuyến mãi đi kèm. Khi hết đợt khuyến mãi, giảm giá, hàng còn thừa, tồn kho nhiều nên nhà sản xuất bán ra thị trường. Loại hàng này thu hút khá đông khách mua sắm vì giá rẻ lại đa dạng về mẫu mã, chủng loại, từ khăn mặt, áo mưa, giấy ăn đến cặp xách, giỏ đựng đồ, hộp đựng thực phẩm, cốc chén, bát đĩa… Trung bình mỗi ngày, Mai bán được vài trăm sản phẩm. Mai cho biết: “Mỗi sản phẩm bán ra lời không bao nhiêu, nhưng do mình bán số lượng lớn nên thu nhập cũng khá ổn định”.
Để thuận tiện cho khách, Mai còn bán hàng qua mạng và giao hàng tận nơi. Nếu có nhu cầu, khách hàng chỉ cần gọi điện thoại hoặc đăng ký qua mạng là có thể mua được những món hàng ưng ý. Mai cho biết: “Việc kinh doanh hàng khuyến mãi chỉ là khởi điểm khi bản thân còn ít vốn. Về tương lai lâu dài, mình sẽ cố gắng tích lũy vốn, tìm kiếm các mặt hàng phong phú, đa dạng, phù hợp để phát triển đam mê kinh doanh cũng như tạo thu nhập ổn định hơn”.
Trào lưu trà sữa túi zipper
Trào lưu trà sữa túi zipper được khởi nguồn từ TP. Hồ Chí Minh, đến nay được bày bán tại nhiều địa phương trong cả nước. Tại thị xã Gia Nghĩa, loại thức uống này được các bạn trẻ ưa chuộng từ vài năm trở lại đây. Nắm bắt xu hướng của giới trẻ, một số quán trà sữa túi đã mọc lên và những cô chủ, cậu chủ cũng rất trẻ.
Khi mở quán trà sữa túi chỉ cần có một chiếc xe đẩy chuyên dụng, một ít vốn và không cần mặt bằng rộng nên nhiều bạn trẻ đã chọn để kinh doanh kiếm thu nhập. Không ít bạn trẻ đã tạo được nguồn thu nhập đáng kể khi kinh doanh loại hình trà sữa này.
Đơn cử như bạn Nguyễn Thị Minh Ánh, ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) làm chủ một quán trà sữa túi zipper hiện đang khá đắt khách. Ánh kinh doanh trà sữa kiểu này đã được 2 năm. Mỗi ngày cô bán được từ 60-80 túi trà sữa, ngày cao điểm có thể bán 120-130 túi, giá dao động từ 15-20.000 đồng/túi.
Theo Ánh, đặc điểm của túi zipper là dày, sạch sẽ và dễ dàng mang theo nên các bạn trẻ, nhất là học sinh rất thích mua. Ngoài ra, trong thời buổi cạnh tranh, để thu hút khách, ngoài việc mới lạ, điều quan trọng nhất là trà sữa phải ngon. Để pha được trà ngon, trước tiên phải biết cách chọn bột trà và cân đo nguyên liệu sao cho không quá ngọt, quá nồng, nhưng vẫn đủ để khách hàng lưu lại dấu ấn, phân biệt nó với bao cốc trà sữa khác.
Cũng từ kinh doanh trà sữa túi zipper, bạn Nguyễn Thị Loan ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) đã tích lũy được một số vốn nhất định. Ngoài việc bán trà sữa, Loan còn kinh doanh thêm nhiều loại nước uống và đồ ăn vặt khác. Nói về chuyện kinh doanh, khởi nghiệp của giới trẻ, Loan cho biết: “Nói thật, kinh doanh vốn dĩ không dễ dàng, ý tưởng thì có thể ai cũng nghĩ ra được, vấn đề là thực hiện nó như thế nào để thành công mà thôi. Bản thân mình vẫn đang nỗ lực tìm tòi, học hỏi, sáng tạo để đạt được thành công như mơ ước”.
Phải có đam mê và nhanh nhạy
Hiện nay, việc kinh doanh của các bạn trẻ khá phong phú, với nhiều loại hình từ ăn uống, thời trang, mỹ phẩm, hàng gia dụng... Xuất phát điểm của mỗi bạn trẻ khi đến với việc kinh doanh cũng rất khác nhau.
Bạn Nguyễn Thị Thanh Nga ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) là một trường hợp như thế. Nga đã tốt nghiệp đại học, xuất thân từ một gia đình khá giả nhưng lại quyết định chọn kinh doanh làm hướng phát triển cho bản thân. Nga kinh doanh từ quán cà phê, bán hàng qua mạng, mở cửa hàng thời trang trẻ em... Lĩnh vực nào cũng đem lại cho Nga những thành công nhất định.
Nhiều trường hợp khác có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chọn kinh doanh chỉ với mục đích đem lại thu nhập. Đơn cử như bạn Hoàng Thị Tuyên ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Sau khi tốt nghiệp THPT, Tuyên theo học nghề làm đậu hũ của người quen. Đến khi lập gia đình, hai vợ chồng trẻ thuê mặt bằng mở cửa hàng vừa chế biến, vừa kinh doanh các sản phẩm làm từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu hũ, tàu hũ trắng, tàu hũ chiên... Với sự cần cù, chịu khó, cửa hàng của Tuyên bắt đầu thu hút nhiều khách hàng gần xa.
Tuyên chia sẻ: “Ra kinh doanh riêng, chịu trách nhiệm với khoản tiền đầu tư của mình, bản thân mình đã phải suy nghĩ, tìm hiểu để chọn hướng làm ăn cho phù hợp. Với mình, kết quả ban đầu như vậy cũng tạm ổn. Còn tương lai, mình mơ ước có thể mở rộng việc kinh doanh để cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn. Mình sẽ cố gắng hết sức để thực hiện mơ ước đó”.
Có thể nói, ngoài yếu tố đam mê, mạnh dạn, nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thị trường, điểm chung ở nhiều bạn trẻ nói trên còn là sự chủ động, kinh doanh theo kiểu vốn ít, lấy công làm lãi, chậm mà chắc... Hy vọng, với sự đam mê, dám nghĩ dám làm, các bạn trẻ sẽ tiếp tục thành công trên con đường kinh doanh để lập thân, lập nghiệp.