Cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào “Hội nghị Diên Hồng”

Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 09/05/2020

Hôm nay (9/5/2020), sẽ diễn ra Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Các doanh nghiệp đều hướng tới hội nghị với hy vọng sẽ được "tiếp sức", tạo thêm động lực để tiếp tục vươn lên trong khó khăn.

Theo giới doanh nghiệp, Hội nghị lần này được ví như “Hội nghị Diên Hồng”. Đây là Hội nghị của lòng yêu nước, sự đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp để cùng Chính phủ đưa đất nước đi lên sau đại dịch. Được biết, cuộc gặp gỡ, đối thoại lần này không phải là dịp để “than nghèo, kể khổ”, phân tích hay mổ xẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, mà các đại biểu sẽ tập trung vào ý kiến, hiến kế cho Chính phủ để xây dựng cơ chế, chính sách mới, hiệu quả hơn. Việc đánh giá những tác động và khả năng “hấp thụ” các chính sách ban hành cũng sẽ được Hội nghị chú trọng để làm cơ sở xây dựng thêm những chính sách mới, phù hợp hơn với thực tiễn.

Ngoài ra, việc nhận định các cơ hội, thời cơ để phát triển trong bối cảnh mới thì việc thay đổi cách thức hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh của dịch Covid-19 cũng sẽ được bàn thảo tại Hội nghị. Những vấn đề thảo luận tại Hội nghị được kỳ vọng sẽ góp phần "hiến kế", khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tái cấu trúc, chủ động sáng tạo, để tiếp tục phát triển. Các giải pháp trọng tâm để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch cũng sẽ được đi sâu bàn thảo tại Hội nghị. Các doanh nghiệp hy vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa ra nhiều quyết sách quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sau khi lắng nghe các ý kiến từ các đại biểu…

Những kết quả tốt đẹp sau Hội nghị lần này hiện đang được cộng đồng doanh nghiệp Đắk Nông mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng. Sau đây là một số ý kiến của doanh Đắk Nông trước khi diễn ra Hội nghị.

Doanh nghiệp cần dự lường được những thách thức, phát huy nội lực trong khó khăn

Ông Ngô Tùng Lâm, Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Daknoruco (Đắk Mil), Phó Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh:

Tôi thấy rằng, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế của đất nước; trong đó, cộng đồng doanh nghiệp chịu tác động không nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định, đây là khó khăn chung, không của riêng ai. Khó khăn này cũng chính là thử thách để kiểm tra “sức khỏe” của mỗi doanh nghiệp để xác định được vấn đề tồn tại tiếp hay giải thể.

Doanh nghiệp của Đắk Nông chủ yếu hoạt động ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, họ sẽ bị tác động ngay khi những thách thức từ bên ngoài bất ngờ ập tới, từ vấn đề nguyên liệu cho tới thị trường và nguồn vốn. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, với quy mô này lại cũng có phần thuận lợi. Đó là họ sẽ dễ xoay xở hơn so với những doanh nghiệp có quy mô lớn, lực lượng lao động mạnh. Nếu ngay từ đầu, các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh bài bản, quản trị tốt, các thách thức giống như đại dịch lần này sẽ không phải là “đối thủ” của họ.

Do đó, vấn đề bây giờ đó là, doanh nghiệp chúng ta nên ngồi lại xem điểm mạnh, yếu của mình ở đâu để tính toán kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phát huy nội lực của mình để sớm vực dậy hoạt động sản xuất, biến “nguy” thành “cơ” và xem dịch bệnh lần này như là một quy luật đào thải tự nhiên của thị trường để bứt tốc tăng trưởng.

Về phía chính quyền, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng mong muốn trong giai đoạn khó khăn này nên kịp thời giảm bớt các thủ tục hành chính hoặc giãn cách các cuộc thanh, kiểm tra, để doanh nghiệp có thời gian tập trung khôi phục lại sản xuất một cách nhanh nhất.

Sớm hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Macca Shachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa):

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hạt mắc ca, shachi, nên khi dịch bệnh xảy ra đã khiến mọi hoạt động của đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp lúc này chính là nguồn vốn xoay vòng cho sản xuất. Thị trường tiêu thụ giảm, khâu vận chuyển tạm ngưng đã khiến hơn 2 tỷ tiền hàng bị tồn kho do không xuất được ra thị trường. Việc trả lãi suất hàng tháng cho ngân hàng của doanh nghiệp càng khốn khó. Trước khó khăn chung này, doanh nghiệp nhận thấy rằng, các chính sách được Chính phủ ban hành về việc hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó bởi dịch Covid-19 là vô cùng thiết thực. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là khâu thực thi các chính sách đó chưa được kịp thời và quyết liệt. Doanh nghiệp hiện vẫn đang rất “chới với” để tự xoay chuyển trước những khó khăn của hiện tại.

Tại Hội nghị lần này, với tư cách là một doanh nghiệp trẻ, mới khởi nghiệp, bản thân doanh nghiệp cũng mong muốn rằng, các đại biểu tham dự cần tập trung thảo luận, tìm ra những đối pháp hiệu quả nhất giúp sớm hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đã đề ra.

Cần có quy chuẩn để xác định đúng đối tượng doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách

Ông Nguyễn Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Nông):

Trước những khó khăn từ thị trường, nhất là dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp trẻ chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nhưng lại có vai trò “cứu cánh” cho nền kinh tế, là bước đệm cần thiết để nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Vốn ít, kinh nghiệm quản lý, khả năng thích ứng với những thay đổi từ thị trường chưa nhiều… sẽ khiến họ bối rối, thậm chí bị khủng hoảng trong khó khăn. Vì vậy, bản thân tôi thấy rằng, các chính sách hỗ trợ cần hướng đến nhiều hơn những doanh nghiệp ở khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh và khu vực nông nghiệp nông thôn. Thực tế thực hiện các chính sách trong thời gian qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định. Một số doanh nghiệp ở những khu vực này còn cho rằng, các điều kiện vay vốn thậm chí còn khắt khe, chặt chẽ hơn. Do đó, để hỗ trợ các ngân hàng thương mại thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, về phía Ngân hàng Nhà nước cần sớm có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, xác định đối tượng doanh nghiệp thụ hưởng. Điều này sẽ giúp việc hỗ trợ thực hiện các chính sách một cách công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Bám sát thị trường và có quyết sách đúng đắn

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức- Đắk R’lấp):

Là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhiều năm của tỉnh nên Công ty TNHH Hồng Đức không nằm ngoài sự tác động khủng hoảng của thị trường.

Doanh nghiệp cũng từng trải qua những khó khăn từ khủng hoảng kinh tế của năm 2008 và đã vượt qua được nên luôn trong kế hoạch kinh doanh hiện tại của đơn vị luôn dự tính được những rủi ro từ thị trường. Doanh nghiệp cũng tự nhận thấy rằng, trong giai đoạn khó khăn này, nhiều doanh nghiệp sẽ khá lúng lúng, mất phương hướng khi rơi vào khủng hoảng. Vì vậy, cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ thì mỗi doanh nghiệp cũng cần phải thường xuyên cập nhật thông tin, bám sát diễn biến của thị trường để sớm có những quyết sách nhanh và đúng đắn nhất cho hoạt động của đơn vị mình. Bởi nếu càng khó khăn, doanh nghiệp càng bám trụ, cố gắng cứu vớt những đồng vốn đã bỏ ra thì sẽ càng không bảo toàn được số vốn còn lại. Vì vậy, giải pháp “cắt lỗ” trong những thời điểm này là rất quan trọng để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến thực phẩm.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất cầm chừng cũng chính là việc làm cần thiết nhất trong đại dịch lần này để vừa có thể ổn định hoạt động, vừa đảm bảo đời sống cho lực lượng lao động và nguồn hàng cung ứng cho đối tác. Ngoài ra, trong quãng thời gian khó khăn, doanh nghiệp cũng nên tranh thủ để bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị sản xuất, sẵn sàng cho việc “tăng tốc” khi dịch bệnh kết thúc.

Lê Dung