Đắk Song quan tâm, hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 08:48, 15/06/2020

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 33-CT/HU, ngày 12/9/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Song, công tác triển khai và phát triển kinh tế tập thể của huyện Đắk Song đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Được tạo điều kiện trong sản xuất

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đoàn Kết đứng chân trên địa bàn xã Nam Bình được thành lập từ năm 2014 với mục tiêu là cung cấp các sản phẩm cà phê theo tiêu chuẩn 4C ra thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị của sản phẩm.

HTX Nông nghiệp Đoàn Kết phục vụ cà phê chế biến tại Đại hội Đảng bộ xã Nam Bình

Ngay sau khi thành lập, HTX đã tập trung đàm phán với một số công ty để liên kết sản xuất cà phê sạch, đồng thời phối hợp hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C từ khâu gieo trồng, chăm sóc, điều trị bệnh và thu hoạch…

Không dừng lại ở đó, năm 2019, HTX bắt đầu chú trọng đến chế biến cà phê sạch, góp phần nâng tầm giá trị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức sản phẩm chất lượng cao của người dân. Ông Lưu Như Bỉnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn Kết cho biết: “Mặc dù mới chỉ là giai đoạn quảng bá sản phẩm, nhưng tôi nhận thấy, chế biến cà phê sạch là hết sức cần thiết, phù hợp với tình hình hiện nay. Bởi cà phê của các thành viên sẽ được thu mua với giá cao hơn và khi sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường thì lợi nhuận  cũng nâng lên”.

Cũng theo ông Bỉnh, để có thể chế biến, rang xay cà phê sạch tại chỗ, HTX đã được UBND huyện Đắk Song và các ngành liên quan tạo điều kiện tiếp cận với các dự án, hỗ trợ về máy chế biến ướt, lò sấy, kỹ thuật, phân vùng cà phê nguyên liệu bền vững…

Sản phẩm cà phê sạch nguyên chất của HTX Nông nghiệp Đoàn Kết được nhiều người đánh giá thơm, ngon

Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, toàn huyện Đắk Song có 31 HTX đang hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và thương mại; 2 tổ hợp tác sản xuất rau, củ, quả ở các xã Thuận Hạnh, Thuận Hà và 27 trang trại.

Không riêng HTX Nông nghiệp Đoàn Kết, để thúc đẩy các HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Cụ thể, UBND huyện phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX, trong đó tập trung tuyên truyền về các nghị quyết, nghị định liên quan đến HTX, Luật HTX năm 2012. Hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cũng được chú trọng.

Nhận thấy hạn chế của các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng khi ra thị trường, huyện đã hỗ trợ, động viên các HTX tham gia các cuộc triển lãm, xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu.

Năm 2018, huyện hỗ trợ 1 tổ hợp tác trồng bơ đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 12 ha; 2 HTX hồ tiêu là Thành Tâm và Thuận Phát xây dựng chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 138 ha; 40 hộ đạt chứng nhận VietGAP về tiêu sạch; 4 hộ đạt chứng nhận tiêu sạch hữu cơ; đang làm chứng nhận VietGAP cho HTX về trồng sầu riêng với khoảng 40 ha; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc...

Đối với chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX, năm 2018, huyện đã lựa chọn 2 HTX hoạt động có hiệu quả để tiếp cận vốn vay của quỹ Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh. Đặc biệt, từ nguồn vốn của Dự án VnSAT, huyện triển khai đầu tư cho 2 HTX là Thành Tâm và Đoàn Kết về hạ tầng, lò sấy và sân phơi cà phê với tổng số tiền trên 13,4 tỷ đồng.

Kinh tế tập thể tiếp tục là mũi nhọn

Thời gian tới, huyện Đắk Song xác định kinh tế tập thể tiếp tục là mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển của địa phương, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Để kinh tế tập thể phát triển, trước hết, huyện lồng ghép việc thực hiện Chỉ thị 33 với các đề án trên địa bàn như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Cùng với việc phát triển mới và củng cố hoạt động cho các tổ chức kinh tế tập thể, Đắk Song tiếp tục xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm có tiềm năng của các HTX, tổ hợp tác, trang trại thông qua việc giới thiệu các sản phẩm qua các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, gắn kết với các siêu thị, chợ, khu dân cư tập trung, hội chợ…

Ngoài ra, việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản tiếp tục được chú trọng, xem đây là hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân.

Hoàng Bảo