Tích cực hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn
Kinh tế - Ngày đăng : 09:13, 08/12/2020
Hiện nay, việc bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh được người dân thực hiện khá tốt. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 5.550 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm trên 90%.
Các sản phẩm nông nghiệp của nông dân được trưng bày tại Hội nghị tuyên dương nông dân tiêu biểu toàn tỉnh vào tháng 7/2020 |
Người tiêu dùng ngày nay rất chú trọng lựa chọn những sản phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, nguy cơ mất ATTP vẫn thường xuyên diễn ra. Hiện tượng gian dối về nguồn gốc sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh; việc đối phó và coi thường các quy định pháp luật vẫn xảy ra.
Vì vậy, hàng năm, HND tỉnh đã tập trung tuyên truyền pháp luật và các quy định bảo vệ ATTP cho hội viên, nông dân. Hội cũng tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Những năm qua, HND tỉnh đã hướng dẫn HND các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn về việc: Sử dụng, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi an toàn; không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn...
HND tỉnh cũng chỉ đạo các cấp HND ở các huyện, thành phố triển khai các chương trình, dự án xây dựng mô hình sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Nhiều hoạt động của HND đã hướng tới bảo vệ môi trường nông thôn như: Người dân sử dụng nước sạch; xây dựng hầm biogas; xử lý chất thải chăn nuôi; xây nhà tiêu hợp vệ sinh...
Ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp được chế biến đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm |
HND còn tổ chức cho nông dân ký cam kết "3 không" gồm: Không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục.
Các cấp HND đã khuyến cáo nông dân áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là nuôi nhốt. Trong 5 năm qua, HND tỉnh đã tổ chức gần 500 cuộc kiểm tra, hỗ trợ pháp lý và tư vấn pháp luật cho khoảng 4.800 lượt người về hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến ATTP.
Từ năm 2017 đến nay, HND tỉnh đã tổ chức tập huấn về chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch, an toàn vệ sinh lao động cho hơn 1.400 lượt nông dân. HND tỉnh còn phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã kinh doanh, sản xuất an toàn.
Ngoài ra, HND tỉnh còn phối hợp với Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh tập huấn chuyển giao kỹ thuật sấy thịt bò khô tẩm gia vị thương phẩm cho 20 hội viên, nông dân ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp).
Mới đây, HND tỉnh đã tổ chức tập huấn và xây dựng vùng xoài VietGAP cho nông dân xã Đắk Gằn (Đắk Mil); xây dựng các mô hình đạt chứng nhận VietGAP cho các trang trại mít ở huyện Đắk R’lấp. Nông dân Buôn Choáh (Krông Nô) cũng được HND hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí xây dựng cánh đồng lúa VietGAP...
Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền và tăng cường các hoạt động phối hợp với các sở, ngành, địa phương để hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh an toàn. HND tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh chuyển giao công nghệ giúp cho nông dân tiếp cận với các thành tựu khoa học để sản xuất, chế biến nông sản chất lượng tốt, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.