Bảo đảm an toàn, hiệu quả sản xuất vụ đông xuân
Kinh tế - Ngày đăng : 08:50, 07/01/2021
Linh hoạt lịch thời vụ
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, vụ đông xuân 2020-2021, toàn tỉnh xuống giống khoảng 10.194 ha cây trồng các loại, phấn đấu đạt tổng sản lượng lương thực 46.172 tấn.
Trong đó, kế hoạch hai loại cây trồng chính gồm lúa: 4.872 ha, sản lượng: 32.188 tấn; ngô: 2.074 ha, sản lượng: 13.983 tấn. Còn lại là diện tích các cây trồng khác như rau màu, đậu đỗ, khoai lang.
Nông dân xã Nâm N'đir (Krông Nô) chủ động chuyển đổi từ lúa sang trồng khoai lang, ngô trên những vùng đất khô hạn |
Lịch thời vụ dự kiến được bắt đầu từ cuối tháng 11/2020 đến giữa tháng 1/2021, nhưng tùy vào điều kiện cụ thể các địa phương có thể linh hoạt để đạt hiệu quả sản xuất cao nhất. Từ diện tích, kế hoạch trên, ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố tích cực theo dõi tình hình khí tượng thủy văn, căn cứ kết quả sản xuất của các loại giống để đưa ra cơ cấu bộ giống phù hợp.
Việc vận động, đôn đốc hướng dẫn người dân vệ sinh đồng ruộng đúng cách, đúng thời điểm có tác dụng tốt nhằm đạt hiệu quả sản xuất cao. Trong trường hợp xảy ra thời tiết xấu, các địa phương, người dân cần linh hoạt điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp để xuống giống bảo đảm tiến độ sản xuất.
Dự báo của ngành chức năng, vụ đông xuân này tiến độ gieo trồng một số loại cây trồng có thể diễn ra chậm hơn so với lịch thời vụ do ảnh hưởng của thời tiết và vụ thu đông trước đó chậm.
Đồng bộ giống và kỹ thuật
Về cơ cấu giống vụ đông xuân 2020-2021, ngành Nông nghiệp tiếp tục khuyến cáo sử dụng những giống mới ưu việt đã khảo nghiệm, trồng thành công tại các huyện, thành phố. Trong đó, đối với lúa gồm các giống lúa xác nhận, lúa lai như: RVT, ST24, VT404, cao sản 541, IR64, các giống đặc sản tám thơm, bắc thơm, thơm 1,đài thơm, jasmine 85…
Về kỹ thuật, đối với cây lúa, tiếp tục khuyến cáo và nhân rộng quy trình sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng” (Giảm phân, giảm giống, giảm thuốc trừ sâu; tăng năng suất, tăng thu nhập, tăng chất lượng sản phẩm). Nhà nông áp dụng nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng phương pháp) sẽ kiểm soát được sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh, dịch hại.
Về phân bón, bà con chú ý dùng hợp lý, hiệu quả loại phân tổng hợp NPK, bổ sung trung, vi lượng để cân đối dinh dưỡng, nâng cao hiệu quả sản xuất cho cây trồng. Đặc biệt, tại những cách đồng lớn như tại Cư Jút, Krông Nô, khâu xuống giống người dân chú ý nên đồng loạt, nhanh, gọn, tránh gieo sạ dày để hạn chế sâu bệnh phát sinh.
Đối với cây ngô, người sản xuất ưu tiên sử dụng những giống có thời gian sinh trưởng trên dưới 100 ngày như NK 54, NK 66, C919, CK 171, ngô nếp HN88, HN106. Riêng các giống khoai lang như benniazuma, KLC 266, HNV1, HNV 2... đã được trồng thử nghiệm thành công ở một số địa phương.
Các cơ quan chuyên môn tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ phát triển các loại đậu, rau, khoai lang theo những tiêu chuẩn có chứng nhận, an toàn thực phẩm nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng cao, dễ tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Nông dân xã Nâm N'đir (Krông Nô) chủ động chuyển đổi từ lúa sang trồng khoai lang, ngô trên những vùng đất khô hạn |
Ngành chức năng tích cực vào cuộc
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, yếu tố bảo đảm an toàn, hiệu quả kinh tế cho người dân trong vụ đông xuân luôn được quan tâm, vì những năm gần đây, khô hạn gây ra nhiều ảnh hưởng, thiệt hại. Nếu nắm được đúng tình hình, chủ động ngay từ đầu các diễn biến thời tiết sẽ giúp nông nghiệp, nông dân tránh bớt thiệt hại, gia tăng giá trị sản xuất.
Vụ đông xuân 2020-2021 hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiếp tục được ngành Nông nghiệp quan tâm. Cụ thể, ngành Nông nghiệp khuyến cáo chủ động chuyển những diện tích lúa không đủ điều kiện nguồn nước, không gieo cấy lúa tại vùng có khả năng cao xảy ra khô hạn.
Các địa phương vận động người dân tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán trồng các loại cây có nhu cầu nước ít hơn như ngô, đậu, bí đỏ, khoai lang để bảo đảm không bị thiệt hại về kinh tế.
Hiện nay, lực lượng chuyên ngành cũng đang tích cực kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng vật tư nông nghiệp cho vụ đông xuân nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi kinh doanh hàng kém chất lượng; đồng thời tăng cường bám cơ sở để động viên, hướng dẫn, đôn đốc người dân sản xuất, kịp thời phát hiện các loại dịch bệnh, dịch hại trên cây trồng, vật nuôi.
Các đơn vị quản lý vận hành công trình thủy lợi đã thực hiện nạo vét kênh mương, dự trữ nước, phối hợp với các huyện, thành phố điều tiết nước đúng lịch thời vụ, tiết kiệm nước, hạn chế thiếu nước, khô hạn cuối vụ…