Làm giàu bằng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao
Kinh tế - Ngày đăng : 08:56, 03/03/2021
Năm 2017, anh Nguyễn Hữu Dũng (SN 1990), ở thôn Tân Bình, xã Đắk R'moan, tình cờ đọc báo thấy mô hình sản xuất dưa lưới có nhiều tiềm năng và có thể áp dụng để canh tác tại địa phương. Từ đó, anh Dũng đã tiến hành tìm hiểu kỹ thuật, quy trình sản xuất dưa lưới.
Mô hình dưa lưới trong nhà màng của Dũng mang lại hiệu quả cao |
Anh dành nhiều thời gian đến các mô hình sản xuất dưa lưới ở Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang... để học tập kinh nghiệm thực tế. Sau khi nắm rõ các kỹ thuật căn bản, anh đã tiến hành đầu tư 300 triệu đồng xây dựng 1.000m2 nhà màng, rồi trồng dưa lưới.
Với 1.000 m2 nhà màng, anh Dũng trồng 2.700 cây dưa lưới. Mỗi cây được trồng riêng trong từng túi, với giá thể xơ dừa đã qua xử lý. Để bảo đảm cây dưa phát triển đồng đều, nguồn nước, phân bón đều được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại theo công nghệ Israel.
Vào thời điểm dưa lưới đơm hoa, anh Dũng đặt các thùng ong mật vào trong nhà màng để ong thụ phấn cho dưa. Dưa sau khi thụ phấn, ra quả, anh sẽ tuyển lựa nhiều lần và mỗi cây chỉ giữ lại một quả đẹp nhất để nuôi cho tới khi thu hoạch. Để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi trái cũng như phòng tránh dịch bệnh, anh thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh, tạo sự thông thoáng cho vườn.
Anh Dũng cho biết: “Trồng dưa lưới không khó, nhưng cần am hiểu kỹ thuật chăm sóc và biết cách phòng trị bệnh theo từng giai đoạn phát triển của cây. Các loại bệnh đều phải phát hiện sớm để kịp thời xử lý, đáp ứng được tỉ lệ quả loại 1 cao. Chăm sóc tốt thì chất lượng quả cũng tốt và bán được giá”.
Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới của anh Dũng có những ưu điểm như giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm trong vườn. Để phòng bệnh và bảo đảm sản phẩm an toàn, anh Dũng chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học để bón cho vườn dưa.
Anh Dũng tiết lộ, dưa lưới rất nhạy cảm với thời tiết, nên mỗi vườn khác nhau sẽ phải có chế độ chăm sóc khác nhau. Chính vì thế, quá trình trồng và chăm sóc dưa lưới phải có quy trình phù hợp mới đạt hiệu quả cao.
Anh Dũng cung cấp nước cho dưa lưới bằng hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại |
Sau nhiều năm sản xuất dưa lưới, anh Dũng đã chủ động được kỹ thuật chăm sóc cũng như kiểm soát chặt chẽ từng giai đoạn phát triển của vườn cây. Trồng dưa trong giá thể xơ dừa đã qua xử lý cũng là cách giúp cây tránh tiếp xúc với vi sinh vật có hại trong đất, tránh được các bệnh do tuyến trùng gây ra và thuận lợi khi thu hoạch.
Để chủ động nguồn giống, anh Dũng nhập hạt giống về và tự ươm gieo trên giá thể đã qua xử lý trước khi trồng. Dưa lưới có nhiều giống, nên ngoài giống đang trồng tại vườn, anh còn xây dựng 1 nhà màng chuyên trồng thử nghiệm các loại giống. Anh theo dõi, chăm sóc giống sát sao để tìm kiếm giống có chất lượng cao và đưa vào sản xuất đại trà.
Mỗi vụ dưa lưới kéo dài từ 60 - 65 ngày. Mỗi trái dưa đến kỳ thu hoạch nặng từ 1,2 - 1,5 kg. Dưa lưới sản xuất trong nhà màng có thể canh tác được 4 - 5 vụ/năm. Hiện nay, anh đã mở rộng quy mô sản xuất lên 2 nhà màng, rộng 2.000m2.
Mỗi năm, anh Dũng sản xuất 3 vụ dưa lưới. Sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt tầm 3 tấn/vụ/1.000m2 nhà màng. Dưa lưới được anh bán với giá từ 25.000 - 35.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh Dũng còn tạo việc làm thời vụ cho 4 - 5 lao động tại địa phương.
Hiện nay, sản phẩm dưa lưới của Dũng chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường TP. Hồ Chí Minh. Đến thời kỳ thu hoạch dưa lưới, thương lái vào tận vườn cắt, đóng gói và mang đi tiêu thụ. Tuy nhiên, anh Dũng cũng cho biết, dưa lưới mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng đầu ra chưa ổn định, nên đôi khi cũng bị ép giá.