Chưa khống chế hoàn toàn mầm bệnh dịch tả heo châu Phi
Kinh tế - Ngày đăng : 08:08, 11/03/2021
Những nguy cơ từ con giống
Chất lượng con giống tốt có vai trò quan trọng hàng đầu đối với chăn nuôi an toàn. Thế nhưng, vẫn còn những người dân thờ ơ với điều này. Tại huyện Cư Jút, đầu năm 2020, đã huyện xuất hiện 5 ổ DTHCP. Trong đó có 3 ổ xuất phát từ nguyên nhân con giống kém chất lượng.
Người nuôi heo ở thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) khử trùng chuồng trại bằng vôi bột giữa các lứa |
Cụ thể, 3 ổ dịch xuất hiện ở các xã Trúc Sơn và Tâm Thắng, với 20 con heo giống mắc bệnh, phải tiêu hủy. Qua xác minh của lực lượng chức năng, các hộ dân có heo bị bệnh đều nhập con giống không rõ nguồn gốc từ địa phương khác về nuôi và không khai báo với chính quyền địa phương.
Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút, địa phương cũng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người chăn nuôi bảo đảm an toàn. Trong đó nhấn mạnh, người dân phải mua con giống đạt chuẩn tại các cơ sở được chứng nhận.
Cùng với đó, việc chăn nuôi phải thực hiện nghiêm các quy trình kỹ thuật về chuồng trại, vệ sinh, khử trùng, nuôi dưỡng. Tuy nhiên, một số hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ vẫn không tuân thủ. Nhiều hộ đã mua con giống không an toàn, không có xuất xứ rõ ràng về chăn nuôi.
Điều này đã làm lây lan mầm bệnh DTHCP, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chăn nuôi heo trên địa bàn. "Ngành Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục ngăn chặn điều này, nhưng đòi hỏi người dân phải có ý thức cao trong chăn nuôi thì mới đạt hiệu quả", ông Sơn cho biết.
Việc tuân thủ quy trình an toàn sinh học
Ngoài nguyên nhân từ con giống, qua xuất hiện DTHCP tại Đắk Nông cho thấy, việc thực hành các quy trình kỹ thuật chăn nuôi từ người dân cũng không bài bản.
Ví dụ như vào tháng 4/2020, DTHCP xuất hiện trên đàn heo của một hộ dân tại thôn 10, xã Nam Bình (Đắk Song). Nguyên nhân được xác định là chủ vật nuôi đã sử dụng thức ăn dư thừa cho heo ăn. Cho dù trước đó, người dân đã được tuyên truyền rộng rãi về việc bảo đảm nguồn thức ăn an toàn cho vật nuôi để phòng, chống DTHCP.
Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, DTHCP xuất hiện tại Đắk Nông từ năm 2019. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có hơn 5.400 con heo của 358 hộ dân bị tiêu hủy. Đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, đàn heo của tỉnh đang tăng lên. Tuy nhiên, tại một số địa phương, DTHCP xuất hiện trở lại, thể hiện mầm bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. |
Chủ động phòng, chống DTHCP tiếp tục là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Nông nghiệp - PTNT trong giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, thế giới vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa loại dịch bệnh này. Do đó, việc tái đàn, tăng đàn heo đang gặp rất nhiều khó khăn.
Trước thực tế này, việc tuân thủ tốt các quy trình, quy định về chăn nuôi heo an toàn sinh học là điều kiện cần thiết để phát triển sản xuất.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Phạm Tuấn Anh, để thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi theo hướng phát triển ổn định đàn heo, các địa phương và người dân cần tiếp tục nêu cao tinh thần phòng, chống DTHCP.
Trước hết cần phải thi hành tốt các quy định của Luật Chăn nuôi 2018 và các văn bản liên quan. Các địa phương, lực lượng chức năng tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở chăn nuôi heo khép kín, an toàn dịch bệnh theo chuỗi giá trị sản phẩm...
Về phía người dân, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phòng, chống DTHCP. Người dân cần sử dụng con giống bảo đảm an toàn, tuyệt đối không mua giống heo trôi nổi, không rõ nguồn gốc về chăn nuôi, làm lây lan DTHCP.
6 yêu cầu chính về chăn nuôi heo an toàn sinh học Theo Bộ Nông nghiệp - PTNT, chăn nuôi heo an toàn sinh học là việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của vật nuôi với các mầm bệnh. Cụ thể đáp ứng 6 yêu cầu chủ yếu sau: - Chuồng trại: Có vị trí xây dựng trang trại phù hợp với quy hoạch của địa phương, hoặc được các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép. - Con giống: Heo giống mua về nuôi có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch và phải có bản công bố tiêu chuẩn chất lượng kèm theo. Trước khi nhập đàn, heo phải được nuôi cách ly theo quy định hiện hành. Con giống sản xuất tại cơ sở phải thực hiện công bố tiêu chuẩn. - Chăm sóc, nuôi dưỡng: Các trại chăn nuôi áp dụng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với các loại heo và giai đoạn sinh trưởng phát triển. - Vệ sinh thý y: Cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học phải bố trí chất sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra, vào trại chăn nuôi, khu chăn nuôi. Tất cả các phương tiện vận chuyển khi vào trại chăn nuôi, khu chăn nuôi phải đi qua hố khử trùng và phải được phun thuốc sát trùng. Mọi người trước khi vào khu chăn nuôi phải thay quần áo, giầy dép và mặc quần áo bảo hộ của trại. - Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi ít nhất 2 tuần/1 lần; phun thuốc sát trùng lối đi trong khu chăn nuôi và các dãy chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh, và ít nhất 1 lần/ngày khi có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên heo 1 lần/tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất. - Các trại chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải gồm chất thải rắn, nước thải đúng quy định. |