Các cơ sở công nghiệp góp phần giải quyết việc làm vùng nông thôn

Kinh tế - Ngày đăng : 09:03, 22/03/2021

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ngày càng có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) và hầu hết đều hoạt động có hiệu quả. Điều này, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.

Tạo thu nhập cho lao động tại chỗ

Công việc của chị Nguyễn Thị Mỹ Út, ở thôn 5, xã Quảng Tâm (Tuy Đức), trước đây chủ yếu là sản xuất cà phê. Tuy nhiên, do mùa màng thường bấp bênh, nên thu nhập của chị thường không ổn định. Năm 2017, Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ được thành lập tại địa phương, chị được nhận vào làm công nhân phân loại, đóng gói sản phẩm chanh dây phục vụ xuất khẩu.

Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ (Tuy Đức) tạo việc làm thường xuyên cho gần 50 lao động là người địa phương

Chị Út cho biết, công việc không quá vất vả như làm nghề nông, lại không đòi hỏi kỹ thuật cao, rất phù hợp với đa số lao động ở khu vực nông thôn. Vào làm việc tại Công ty, chị được bảo đảm về việc làm, mức thu nhập ổn định.

Cụ thể, thu nhập bình quân mỗi tháng của chị vào khoảng 6 triệu đồng. Với mức thu nhập này, cuộc sống của gia đình chị không còn khó khăn như trước. "Quan trọng hơn là mình không còn phải "chân lấm tay bùn" như trước nữa", chị Út chia sẻ.

Tương tự, chị Đoàn Thị Trâm, ở thôn Tân Phú, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp), cũng gắn bó với nghề bóc tách vỏ hạt điều được 4 năm nay. Chị hiện là công nhân của Công ty TNHH Kiều Phương Đông, đóng chân trên địa bàn.

Theo chị Trâm, mặc dù Công ty mới thành lập, nhưng rất quan tâm đến người lao động. Ngoài việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định, Công ty còn luôn cố gắng bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động. Đặc biệt, có những thời điểm gặp nhiều khó khăn như tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng hóa tiêu thụ kém, nhưng Công ty vẫn tạo việc làm ổn định cho công nhân.

Công nhân phân loại hạt điều nhân tại Công ty TNHH Kiều Phương Đông

Theo ông Nguyễn Chí Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Long Huệ, doanh nghiệp hiện đang tạo việc làm cho khoảng 50 công nhân lao động là người địa phương. Trong đó, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, với mức lương dao động từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài công nhân thời vụ, hưởng lương theo sản phẩm, Công ty đang đóng bảo hiểm cho gần 15 lao động thường xuyên và bao ăn, ở. Với việc giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, đơn vị đang góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Làm “bàn đạp” cho CNNT

Theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.782 cơ sở hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp. Trong đó, phần lớn là các cơ sở CNNT, hoạt động chủ yếu ở những lĩnh vực chế biến nông sản, cơ khí, mộc…

Ông Nguyễn Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) cho biết: Các cơ sở CNNT thường đóng chân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Đến nay, sản phẩm CNNT ngày càng phong phú và đa dạng về số lượng, chất lượng. Các sản phẩm ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, kể cả trong và ngoài nước.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thời gian qua, ngành Công thương đã cùng với các địa phương đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tư vấn, hướng dẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đối tượng có nhu cầu đăng ký kinh doanh. Về phía tỉnh cũng tạo các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh, nhất là về chính sách thuế, đất đai, nguyên liệu, thị trường...

Đặc biệt, thông qua hoạt động khuyến công, ngành Công thương đã kịp thời khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị trong việc đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào trong sản xuất.

Việc các cơ sở CNNT phát triển mạnh mẽ cũng đã góp phần giải quyết vùng nguyên liệu tại chỗ vốn là thế mạnh của địa phương như: Cà phê, hồ tiêu, điều,  mắc ca, sachi… Các nguồn nguyên liệu này được nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, để tạo ra các sản phẩm mang tính công nghiệp chứ không còn là sản phẩm thô như trước kia.

CNNT đang góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và nhất là giải quyết cho hàng ngàn lao động ở địa phương. Đến nay, tăng trưởng bình quân của các cơ sở CNNT cả về doanh thu và lợi nhuận khoảng từ 15-20%.

Cũng theo ông Tòng, năm 2021, chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn kinh phí từ quỹ khuyến công quốc gia và địa phương để hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển. Các đề án hỗ trợ năm nay sẽ được tập trung cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm nông sản của địa phương như: Mắc ca, sachi, ca cao, gạo... Đây là những sản phẩm thế mạnh và mới của tỉnh. Qua đó góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động cho các địa phương trên địa bàn.

Lê Dung