Mô hình trồng dưa lưới trong nhà cho thu nhập cao
Kinh tế - Ngày đăng : 08:46, 25/03/2021
Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm, cuối năm 2019, chị Phương đầu tư 300 triệu đồng xây dựng hơn 1.000m2 nhà màng và trồng 3.000 cây dưa lưới. Sau 70 ngày trồng và chăm sóc, chị thu hoạch vụ dưa lưới đầu tiên, với sản lượng trên 3,5 tấn. Với giá 30.000 đồng/kg, trừ các chi phí, vườn dưa lưới đã mang về cho chị gần 100 triệu đồng. Cuối năm 2020, chị mở rộng diện tích nhà màng lên 2.000m2 để trồng dưa lưới, tăng thêm thu nhập.
Vườn dưa lưới của chị Phương được sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt |
Qua 5 vụ trồng dưa lưới, chị Phương đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật ươm giống để bảo đảm chất lượng. Chị gieo hạt 10 ngày rồi trồng vào túi giá thể hoặc trồng trực tiếp xuống đất và chăm sóc, sau đó chọn những cây giống khỏe để trồng.
Dưa lưới trồng từ 23-30 ngày sẽ ra hoa. Thời kỳ này, chị dùng đàn ong để thụ phấn cho dưa. Khi dưa đậu trái, chị chỉ chọn 1 trái đẹp nhất trên cây để chăm sóc, còn lại tỉa bỏ nhằm giữ sức cho cây. Chị vừa dùng nguồn nước giếng khoan và nước suối đã được xử lý sạch sau đó đưa vào hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn dưa.
Dưa lưới từ lúc thụ phấn đến khi thu hoạch chỉ mất từ 35-40 ngày. Loại cây trồng này thích nhiệt độ nóng và ưa nắng. Vì vậy, thời tiết ấm thì cây ra hoa sớm và giúp rút ngắn thời gian chăm sóc cũng như cho thu hoạch sớm. Nếu thời tiết lạnh thì vụ thu hoạch sẽ kéo dài hơn.
Chị Phương sử dụng ong để thụ phấn cho dưa lưới |
Chị Phương trồng dưa lưới theo quy trình VietGAP. Sau khi thu hoạch, sản phẩm dưa của chị được thương lái ở thành phố Hồ Chí Minh đến tận vườn thu mua và phân phối đến các tỉnh, thành phố khác.
Chị trồng giống dưa TL3, quả có trọng lượng từ 1,2-1,5 kg, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Dưa TL3 mỏng vỏ, có vị ngọt vừa phải, có giá bán cao. Theo chị Phương, dưa lưới giữ được vị ngon và tươi từ 20-30 ngày mà không cần bảo quản ở môi trường lạnh hoặc các chất bảo quản.
Khí hậu ở Gia Nghĩa mỗi năm có thể thu hoạch được 4 vụ dưa lưới. Ngoài thuận lợi về thời tiết thì quỹ đất rộng, màu mỡ cũng là điều kiện tốt để cây dưa phát triển.
Trồng dưa lưới trực tiếp ở vườn rẫy hay trong nhà màng đều cần bón đủ dinh dưỡng cho cây để quả dưa bảo đảm chất lượng. Khi làm nhà màng trồng dưa lưới cần lưu ý hướng gió phù hợp để tránh thiệt hại khi xảy ra gió lớn.
Theo tính toán của chị Phương, nếu đầu tư 1 sào dưa lưới hết 300 triệu đồng, sau 3 vụ sẽ thu hồi được vốn và có lời từ vụ thứ 4 trở đi. Nhà màng nếu được quản lý tốt và vị trí ít gió có thể sử dụng từ 4-5 năm.
Hiện nay, chị Phương đang dự định mở rộng thêm diện tích phát triển dưa lưới và liên kết với các hộ khác để phát triển thành vùng nguyên liệu có quy mô, bảo đảm đầu ra ổn định hơn.