Phấn đấu đến năm 2025 có 10 doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Kinh tế - Ngày đăng : 09:35, 26/03/2021

Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Xung quanh vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đắk Nông.

 Ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đắk Nông

PV: Thưa ông, thời gian qua, các doanh nghiệp KH&CN của tỉnh đã có sự phát triển như thế nào?

Ông Trần Đình Ninh: Thời gian qua, Sở KH&CN đã thực hiện nhiều hoạt động về tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung liên quan đến phát triển doanh nghiệp KH&CN cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, số lượng doanh nghiệp KH&CN được thành lập khá ít và hoạt động chưa hiệu quả.

Trong khi đó, do đặc thù của địa phương, hiện nay, Đắk Nông mới chỉ có 1 trường cao đẳng, chưa có trường đại học, viện nghiên cứu. Doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn lại hầu hết nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực thu mua nông sản, các dịch vụ nông nghiệp. Vì vậy, tiềm lực để phát triển lên doanh nghiệp KH&CN chưa nhiều.

Đến nay, tỉnh mới chỉ có 1 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, đó là Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ cao Nasa. Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp này cũng đang gặp một số khó khăn nhất định, nên ngành KH&CN cũng chưa thực hiện được các chương trình hỗ trợ cụ thể.

PV: Để phát triển thành doanh nghiệp KH&CN, các doanh nghiệp cần những điều kiện gì, thưa ông?

Ông Trần Đình Ninh: Căn cứ theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP, ngày 01/02/2019 của Chính phủ về Doanh nghiệp KH&CN, điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN bao gồm: Được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định; doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, đáp ứng các điều kiện quy định.

Điều kiện đáng chú ý nhất là doanh nghiệp đó phải có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu. Khi đáp ứng đủ các điều kiện trên, các doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ và được cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể về thủ tục cần thiết để được công nhận là doanh nghiệp KH&CN.

Khi được cấp giấy chứng nhận, doanh nghiệp KH&CN sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm thuế đất, thuê mặt nước; ưu đãi tín dụng để thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH&CN…

Sản xuất hạt sachi tại Công ty cổ phần Sachi Tây Nguyên (Đắk Mil)

PV: Với nhiều ưu đãi đó, trong thời gian tới, ngành sẽ triển khai những giải pháp nào để giúp phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

Ông Trần Đình Ninh: Để hỗ trợ các doanh nghiệp KH&CN phát triển, đầu tháng 3 vừa qua, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp KH&CN, giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, tổng kinh phí dự kiến thực hiện kế hoạch này vào khoảng 8,45 tỷ đồng; trong đó, kinh phí sự nghiệp KH&CN là: 5,45 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Đắk Nông phấn đấu sẽ hỗ trợ hình thành và phát triển 10 doanh nghiệp KH&CN.

Căn cứ theo kế hoạch, trước tiên, ngành sẽ tập trung phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu các chính sách, chương trình, đề án có liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Đơn vị sẽ tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo để cung cấp tài liệu, chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN; đồng thời, triển lãm sáng chế, giải pháp hữu ích, trưng bày các sản phẩm KH&CN có khả năng thương mại hóa... để các doanh nghiệp được tiếp cận với khái niệm “Doanh nghiệp KH&CN”.  

Bước tiếp theo, đơn vị sẽ rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện được công nhận là doanh nghiệp KH&CN, từ đó chủ động tuyên truyền về lợi ích và các chính sách ưu đãi mang lại.

Việc hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN cũng sẽ được chú trọng. Trong đó, các nguồn kinh phí sẽ ưu tiên cho các nội dung cụ thể như: Tổ chức đào tạo, tập huấn các kiến thức về điều hành quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng và phát triển thương hiệu; hình thành và quản lý Quỹ phát triển KH&CN; chuyển giao công nghệ, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp...

Đặc biệt, các doanh nghiệp KH&CN sẽ được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ thông qua các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, để đa dạng hóa sản phẩm hoặc đổi mới, phát triển công nghệ…

Ngoài các chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp KH&CN sẽ được hướng dẫn tiếp cận, tham gia các đề án, chương trình KH&CN quốc gia và địa phương. Từ đó thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, giải mã công nghệ và sản xuất kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN.

Kế hoạch được xây dựng cũng sẽ ưu tiên, lựa chọn doanh nghiệp KH&CN thực hiện đổi mới công nghệ thông qua Chương trình khuyến công của Trung ương và địa phương.

Với những chính sách ưu đãi mang lại, tỉnh Đắk Nông mong muốn sẽ khuyến khích được nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có hoạt động nghiên cứu KH&CN thuộc mọi lĩnh vực được phát triển theo mô hình doanh nghiệp KH&CN. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương bền vững.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Dung thực hiện