Chăn nuôi có thể chững lại vì giá thức ăn tăng cao
Kinh tế - Ngày đăng : 10:04, 29/03/2021
Giá liên tục tăng
Giá thức ăn tăng cao khiến chi phí chăn nuôi nhảy vọt. Vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang e ngại trong việc đầu tư tái đàn, mở rộng quy mô sản xuất.
Gia đình ông Phạm Văn Việt, thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong), đang lo lắng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục |
Gia đình ông Phạm Văn Việt, thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong), hiện đang chăn nuôi 300 con gà thịt và 150 con vịt xiêm. Tất cả gia cầm đều đang chuẩn bị xuất chuồng, nên nhu cầu về thức ăn rất lớn. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, giá thức ăn gia cầm liên tục tăng cao, khiến gia đình ông không khỏi lo lắng.
Theo ông Việt, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn cho gà trong khoảng 250.000 – 290.000 đồng/bao. Với mức giá cao thế này, gia đình rất phân vân, bởi giai đoạn này vật nuôi đang độ lớn, không thể ngừng đầu tư hoặc bán tháo được.
Cùng với đó, giá gà giống cũng tăng từ 3.000-8.000 đồng/con. Trong khi đó, giá gà thương phẩm lại đang ở mức thấp, chỉ từ 68.000-70.000 đồng/kg. Điều này khiến cho việc chăn nuôi gia cầm của ông Việt gặp khó khăn, đối mặt với thua lỗ.
Tương tự, gia đình ông Vũ Văn Huân, thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), mới vỗ béo và xuất chuồng 5 con heo thịt. Hiện gia đình ông đang nuôi 2 con heo nái, 7 con heo giống và hơn 100 con gà thịt.
Theo ông Huân, giá thức ăn gia súc, gia cầm tăng cao làm ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch chăn nuôi của gia đình. Hiện tại, heo giống mua với giá khá cao, gần 3 triệu đồng/con. Cùng với đó, giá thức ăn cho heo tăng lên, nên người chăn nuôi quy mô nhỏ như ông càng thêm chật vật. “Nếu tình trạng này kéo dài, việc chăn nuôi của gia đình sẽ phải thu hẹp lại”, ông Huân lo lắng.
Giá cám các loại tăng khiến ông Vũ Văn Huân, thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đắn đo trong việc thu hẹp chăn nuôi để đỡ phát sinh chi phí |
Ảnh hưởng tới hoạt động chăn nuôi
Không chỉ các hộ dân, mà ngay cả các chủ đại lý kinh doanh cũng lo ngại vì giá thức ăn gia súc, gia cầm liên tục tăng cao.
Theo nhiều cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh, từ cuối năm ngoái, tháng nào các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng thông báo điều chỉnh tăng giá. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu đầu vào quá cao. Vì vậy, các cửa hàng bán lẻ thức ăn chăn nuôi phải tăng giá bán.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng tới 5 lần kể từ đầu năm tới nay |
Bà Lê Thị Cúc, chủ đại lý cám gạo Cúc Hà, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), cho biết, từ đầu năm tới nay, giá thức ăn cho gia súc, gia cầm đã tăng tới 5 lần. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nên khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã bị ảnh hưởng mạnh.
Đại dịch Covid-19 đã làm "đứt gãy" chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển cho các loại hàng hóa tăng mạnh. Theo dự báo, thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng thêm 2 đợt nữa.
Hiện tại, bình quân giá cám heo các loại tăng khoảng 40.000 đồng/bao; cám gà tăng 30.000 đồng/bao; bắp dập tăng gần 20.000 đồng/kg; bắp nguyên hạt tăng 15.000 đồng/kg; lúa tròn tăng 15.000 đồng/kg…
Theo bà Ninh Thị Hằng, chủ đại lý cám gạo Ninh Hằng, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa), giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nên việc tiêu thụ chững lại. Nhiều hộ dân có xu hướng đã chuyển từ nguồn thức ăn chăn nuôi công nghiệp sang lúa, bắp để đỡ chi phí.
Chi phí thức ăn trong chăn nuôi rất lớn. Việc tái đàn gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài của dịch tả lợn châu Phi, nay cộng thêm chi phí đầu vào tăng cao, khiến người dân ngại đầu tư. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến việc ổn định hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.