Doanh nghiệp chế biến thiếu hụt nguồn nguyên liệu

Kinh tế - Ngày đăng : 10:47, 05/04/2021

Sản lượng các mặt hàng nông sản của Đắk Nông trong năm qua đạt thấp so với mọi năm. Do đó, nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản bị thiếu hụt nguyên liệu và đang phải hoạt động cầm chừng.

Nguồn nguyên liệu sụt giảm

Năm nay, sản lượng sản xuất dự kiến của Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) giảm 1/3 so với năm ngoái.

Sản phẩm chanh dây của Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) chỉ đáp ứng được 70% đơn hàng

Theo ông Nguyễn Chí Long, Chủ tịch HĐQT Công ty, trước đây, mỗi tháng nhà máy sản xuất đạt công suất gần 360 tấn chanh dây, nhưng năm nay chỉ còn 120 tấn/tháng. Hiện tại, đơn hàng của đối tác đặt rất nhiều, nhưng nhà máy chỉ đáp ứng được 70%. Nguyên nhân chính là do nguồn cung ứng nguyên liệu không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của nhà máy.

Lý giải về vấn đề này, ông Long cho biết, thứ nhất là do thời tiết không thuận lợi nên ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất của cây. Thứ hai là do chất lượng giống chanh dây không bảo đảm, không quản lý được giống đầu dòng nên khi người dân mua về trồng, cây không có trái. Một nguyên nhân nữa là do trong năm vừa rồi có nhiều thời điểm giá xuống thấp, người dân bỏ bê, ít chăm sóc nên sản lượng giảm đi nhiều…

Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Mắc ca Sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Mọi năm, vào khoảng mùng 3 Tết Nguyên Đán, Công ty đã có nguyên liệu để sản xuất, nhưng năm nay hoạt động khá cầm chừng. Mãi tới thời điểm giữa tháng 3 vừa rồi, doanh nghiệp mới có nguyên liệu để chế biến.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Công ty cho biết, sản lượng mắc ca trái vụ năm nay rất thấp, chỉ bằng 30% so với mọi năm, dù được người dân đầu tư chăm sóc tốt.

Nhiều khu vực mắc ca có trái rải rác, không tập trung. Có nơi thì cây vừa ra hoa, vừa ra trái. "Nói chung, trái già, trái non lẫn lộn rất khó thu hoạch. Doanh nghiệp phải triển khai hái lựa thật kỹ mới có nguồn nguyên liệu sản xuất”, bà Hương chia sẻ.

Tìm giải pháp ổn định “đầu vào”

Nguyên liệu thiếu hụt và giá tăng cao, khiến cho hoạt động của một số doanh nghiệp chế biến gặp không ít khó khăn. Các doanh nghiệp đang phải tập trung triển khai nhiều giải pháp ổn định “đầu vào” cho sản xuất.

Cũng theo Nguyễn Chí Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ, do nhu cầu lớn, nguồn cung lại không đáp ứng kịp, nên giá chanh dây xuất khẩu ra thị trường hiện nay rất cao.

Đơn cử như ở mảng trái tươi, hàng chuẩn xuất đi châu Âu có giá 40.000 đồng/kg; hàng xuất đi Trung Quốc có giá hơn 20.000 đồng/kg; hàng đại trà có giá 13.000 đồng/kg; còn hàng chanh dây múc sẵn có giá 10.000 đồng/kg...

Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Mắc ca Sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa) đang phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các tỉnh lân cận

Để cung ứng đủ nguồn nguyên liệu cho nhà máy, trước mắt, Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ đã triển khai các giải pháp quản lý về cây giống. Theo đó, ngay từ đầu năm, Công ty đã triển khai trồng và bao tiêu sản phẩm gần 200 ha chanh dây cho bà con trên địa bàn tỉnh.

Các kỹ thuật trồng, chăm sóc đang được Công ty phối hợp hỗ trợ cho người dân. Giải pháp này cũng chính là cơ sở để người dân yên tâm về giá, ổn định sản xuất…

Đối với hạt mắc ca cũng vậy. Do nguyên liệu ít, nên giá bán đã tăng lên từ 20-30% so với trước. Cụ thể, mọi năm, giá nguyên liệu đầu vào chỉ vào khoảng 90.000-100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay, giá bán đã lên tới 120.000 đồng/kg, nhưng vẫn không có hàng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Mắc ca Sachi Thịnh Phát cho biết, mắc ca là loại hạt dinh dưỡng mới, nên khách hàng rất ưa chuộng. Mới đầu năm, đơn hàng đặt về rất nhiều. Thế nhưng, Công ty không dám nhận những đơn hàng lớn, chỉ ký hợp đồng với những đơn nhỏ lẻ để theo dõi tình hình.

Bà Hương chia sẻ: “Ngoài vùng nguyên liệu của Công ty, đơn vị cũng đang phải tìm kiếm nhiều vùng nguyên liệu mới từ các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Đắk Lắk về để phục vụ nhà máy sản xuất”.

Nguyên liệu tốt sẽ giúp các nhà máy hoạt động ổn định. Chính vì vậy, cùng với việc xây dựng nguồn nguyên liệu, việc linh hoạt các giải pháp tìm kiếm nguồn cung cũng đang được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông áp dụng.

Lê Dung