Để các doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua thời kỳ khó khăn
Kinh tế - Ngày đăng : 09:08, 12/04/2021
Tăng sản lượng để bù chi phí
Những ngày này, tại Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp), các phương tiện hoạt động liên tục để vận chuyển nguyên liệu điều tươi về nhà máy. Hệ thống sân phơi của doanh nghiệp hoạt động tối đa công suất để kịp phơi khô nguyên liệu trước khi mùa mưa tới.
Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R'lấp) nhập nguyên liệu về phục vụ hoạt động sản xuất của nhà máy |
Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc công ty, năm nay, doanh nghiệp sẽ tăng công suất hoạt động của nhà máy lên 100%, tức khoảng 15.000 tấn điều nguyên liệu, tăng gấp đôi sản lượng so với năm trước. Hiện nay, giá điều nhân xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm trước. Tuy nhiên, tất cả những lợi nhuận đó cũng chỉ đủ để bù vào các khoản chi phí vận chuyển. Được biết, khi chưa có dịch bệnh, chi phí cước tàu vận chuyển hàng là 1.000 USD/container, nhưng hiện tại là 10.000 USD/container. Mặc dù cước vận tải tăng, nhưng các phương tiện vận chuyển lại khan hiếm.
"Với cước phí vận chuyển tăng cao gấp 10 lần như hiện nay, buộc doanh nghiệp phải tăng về sản lượng để bù đắp lại chi phí", bà Nguyệt chia sẻ.
Cũng theo bà Nguyệt, công ty đã xây dựng các giải pháp để bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất của nhà máy. Theo đó, ở trong nước, công ty đang tập trung thu mua khoảng 7.000 tấn nguyên liệu điều tươi và nhập khẩu từ Campuchia về khoảng 8.000 tấn. Về thị trường, năm nay, công ty sẽ dành 70% lượng hàng để xuất khẩu qua Trung Quốc (tăng 20% so với năm trước), phần còn lại sẽ là các nước châu Âu và Mỹ.
Năm 2021, công ty sẽ cho ra mắt sản phẩm mới, có thể thích ứng với tất cả các thị trường như điều rang không muối, không vỏ. Đơn vị đặt mục tiêu phát triển 10% sản phẩm mới trên tổng sản lượng hàng hoá xuất ra.
Theo Sở Công thương, trong quý I, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh thực hiện được 257 triệu USD, đạt 22% kế hoạch. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng về cả sản lượng và giá trị như: Cà phê đạt 53,7 triệu USD, tăng 32%; đậu phộng sấy đạt 0,04 triệu USD, bằng với cùng kỳ; ván MDF đạt 2,8 triệu USD, tăng 55,6%; sản phẩm alumin đạt 40,5 triệu USD, tăng 14%. Riêng mặt hàng điều nhân có tăng về sản lượng, nhưng giá xuất khẩu giảm 16% so với cùng kỳ năm 2020. |
Tháo gỡ những rào cản từ thị trường
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành Công thương đang tích cực rà soát và nắm bắt diễn biến cung-cầu thị trường. Từ đó kịp thời có những giải pháp hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo ông Lê Minh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), đơn vị tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thương mại, hạn chế giao thương tại các thị trường xuất khẩu lớn. Từ đó, đơn vị sẽ đưa ra các dự báo tác động lên nhóm ngành hàng, sản phẩm và đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cung cấp thông tin về tình hình thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, để định hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu trị trường trong giai đoạn bị tác động bởi dịch Covid -19.
Cũng theo ông Tuấn, ngành Công thương thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, phương án tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ. Điều này góp phần giúp các doanh nghiệp bảo đảm nguyên, vật liệu cho sản xuất, kinh doanh và cân đối các nguồn lực để vượt qua thời kỳ khó khăn và phục hồi sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Nguyên liệu điều tươi được Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R'lấp) tập kết về phơi để chuẩn bị sản xuất |
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, ngành Công thương khuyến cáo, cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật những yêu cầu, điều kiện của thị trường xuất khẩu. Trong đó, doanh nghiệp nên chú trọng, quan tâm thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương.
Doanh nghiệp cũng sớm có các biện pháp để sẵn sàng chuyển đổi sang hình thức chính ngạch như: Tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, kê khai vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại… nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thoả thuận với các nước nhập khẩu.
Ngoài những giải pháp hỗ trợ trên, doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh cần tiếp tục khai thác tốt các thị trường còn dư địa như: Singapore, Mỹ, Đức, Úc, Indonexia, Hàn Quốc… Từ đó xây dựng kế hoạch tham gia các đoàn khảo sát, xúc tiến thương mại tại thị trường tiềm năng mới.
Riêng với các cửa khẩu biên giới phía Bắc, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật diễn biến thông quan hàng hóa, để chủ động có kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa... được thuận lợi.