Thu nhập ổn định nhờ trồng bí đỏ leo giàn
Kinh tế - Ngày đăng : 14:03, 13/04/2021
Sau thời gian canh tác khoai lang, ngô theo phương pháp truyền thống, anh Phạm Minh Vương, ở bon Choih, xã Đức Xuyên (Krông Nô), nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Chi phí sản xuất các loại cây trồng này ở mức cao, nhưng giá bán lại không ổn định. Chính vì thế, vụ đông xuân năm nay, anh Vương đã quyết định chuyển đổi 4 sào đất sang trồng bí đỏ theo hình thức cho cây leo giàn. Quá trình sản xuất, anh Vương áp dụng quy trình tiêu chuẩn hữu cơ, sinh học.
Trước đó, anh Vương đã đi học tập kinh nghiệm trồng bí đỏ tại tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. Được những người đi trước chia sẻ kinh nghiệm, anh Vương đã thay đổi thói quen canh tác trước đây đó là chế biến các loại phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh từ các chế phẩm sinh học, dược liệu để chăm sóc vườn cây.
Vườn bí đỏ leo giàn đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh Vương |
Anh Vương cho biết, khí hậu, thổ nhưỡng ở Đức Xuyên khá phù hợp với cây bí đỏ. Trên 4 sào đất, anh trồng 6 loại bí đỏ khác nhau và đều phát triển tốt. Bước đầu cho thấy, cây bí có nhiều ưu điểm nổi bật, năng suất đạt cao.
Trước hết, về mặt thời gian, bí đỏ từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch mất khoảng 40 - 45 ngày và duy trì cho thu hoạch liên tục trong hơn 1 tháng. Mỗi quả bí có trọng lượng từ 0,5 kg trở lên, năng suất đạt bình quân khoảng 1,5 tấn/sào/vụ.
Hiện nay, gia đình anh Vương đã kết nối với thương lái ở tỉnh Lâm Đồng để được bao tiêu sản phẩm với giá từ 17.000 - 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi vụ trồng bí, anh Vương có thu nhập từ 100-120 triệu đồng (chưa trừ chi phí).
Theo anh Vương, các loại sâu hại trên cây bí đỏ chủ yếu sâu xanh, sâu đục quả, bọ trĩ, rầy rệp, nhện đỏ... Để phòng ngừa những loại sâu bệnh này, anh dùng ớt, tỏi, sả, vỏ quýt, vỏ trứng gà ngâm lên men rồi phun hằng ngày cho vườn bí. Anh sử dụng phân chuồng ủ hoai mục để bón cho cây bí. Điều này không chỉ giảm được chi phí đầu tư, mà còn bảo đảm an toàn sản xuất, sản phẩm đạt chất lượng cao.
Trồng bí đỏ cho leo giàn có nhiều ưu điểm hơn so với để cây bò tự do trên mặt đất. Cây bí leo giàn sẽ có điều kiện để tiếp xúc với ánh sáng nhiều hơn, nên ít bị sâu bệnh. Bí đỏ leo giàn có thể trồng với mật độ cao gấp gần 2 lần so với trồng thông thường. Cụ thể, mỗi sào đất, bà con có thể trồng khoảng 500 cây bí đỏ và năng suất vẫn bảo đảm.
Các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tưới nước cho bí đỏ leo giàn cũng dễ dàng, thuận lợi hơn. Quả bí được treo trên giàn, không phải tiếp xúc trực tiếp với đất, nên tỷ lệ tương đối đều và có màu sắc đẹp.
Theo ông Lê Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Xuyên, gia đình anh Vương là người tiên phong trong việc sản xuất cây bí đỏ leo giàn theo hướng hữu cơ tại địa phương. Đây là hướng phát triển sản xuất bền vững, bảo đảm kỹ thuật cao.
Mô hình trồng bí của anh Vương bước đầu được đánh giá khá hiệu quả, có thể nhân rộng để xây dựng vùng nguyên liệu cây ngắn ngày ở Đức Xuyên. UBND xã Đức Xuyên sẽ phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức tìm kiếm thị trường để người dân phát triển mô hình trồng bí đỏ leo giàn một cách ổn định, hiệu quả cao.
Hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh đang nghiên cứu, đánh giá hiệu quả mô hình trồng bí của anh Vương để triển khai, nhân rộng tại một số địa phương khác.