Nhiều tiềm năng phát triển bò lai ở Đắk Nông
Kinh tế - Ngày đăng : 14:04, 13/04/2021
Chất lượng bò giống được nâng lên
Từ nhiều năm nay, Đắk Nông đã triển khai một số chương trình, dự án nhằm cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò thịt. Cụ thể, giai đoạn 2010-2018, cơ quan chuyên môn đã đưa 350 con bò đực giống Brahman đỏ để lai tạo với đàn bò cái nền địa phương.
Từ năm 2019 đến nay, ngành Nông nghiệp triển khai thực hiện dự án lai tạo thử nghiệm giống bò BBB trên nền đàn bò cái lai Zebu (lai Brahman, lai Sindhi), góp phần nâng cao thể trạng, chất lượng đàn bò giống, bò thịt trên địa bàn tỉnh.
Ông Huỳnh Đức Ánh, thôn 4, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) phát triển chăn nuôi bò từ năm 2017. Ban đầu, gia đình ông nuôi giống bò vàng truyền thống. Tuy nhiên, do hiệu quả không cao nên ông đã chuyển sang nuôi bò lai. Hiện gia đình ông có 14 con bò lai. Năm 2020, nguồn thu nhập từ đàn bò của gia đình ông đạt gần 200 triệu đồng. Ông Ánh cho biết: “Hiệu quả kinh tế từ nuôi bò lai cao hơn nhiều so với bò vàng. Nuôi 1 con bò vàng giống địa phương phải mất 1 năm mới xuất chuồng, lãi khoảng 10 triệu đồng. Nhưng nuôi 1 con bò lai, chỉ cần 6 tháng đã bán được 25 triệu và lãi 10 triệu đồng”.
Hằng năm, ông Huỳnh Đức Ánh, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) có thu nhập cao từ việc nuôi bò lai |
Tính đến tháng 12/2020, tổng đàn bò của tỉnh là 31.400 con, trong đó, bò lai đạt 26.500 con, chiếm tỷ lệ trên 80% tổng đàn bò của tỉnh. Đàn bò lai có khả năng sinh trưởng vượt trội so với đàn bò truyền thống, đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương.
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - PTNT), hiệu quả nổi bật của việc phát triển đàn bò lai những năm qua là khả năng di truyền giống rất thuận lợi. Ngành Nông nghiệp, các địa phương, người chăn nuôi đã có sự phối hợp hiệu quả, tạo ra thế hệ con giống mới có chất lượng cao.
Điển hình là tổ hợp giống bò hướng thịt Brahman lai với giống bò địa phương. Dòng bò lai này có những đặc tính vượt trội hơn so với bò bố và bò mẹ, khả năng chịu được điều kiện chăn nuôi, môi trường tự nhiên của tỉnh. Bò lai Brahman chống chịu bệnh tật tốt hơn các giống bò khác.
Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết, cải tạo đàn bò bằng lai tạo đã thể hiện tính ưu việt và đúng hướng. Quá trình cải tạo đàn bò đã đáp ứng được yêu cầu của nông nghiệp công nghệ cao, góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới.
Ngành chăn nuôi của tỉnh cũng đã giải quyết được "bài toán khó" về nguồn bò giống cho bà con nông dân. Đây là tiền đề để tiếp tục thúc đẩy phát triển đàn bò theo hướng chất lượng cao trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Đức Ánh dành 3 sào đất để trồng cỏ, bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn bò |
Mục tiêu và lợi thế phát triển
Năm 2020, sản lượng thịt bò của tỉnh đạt khoảng 1.728 tấn, nhưng mới đáp ứng 60% nhu cầu của người dân trong tỉnh. Điều này cho thấy, ngành chăn nuôi bò thịt của tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới, nhất là tận dụng các lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu...
Tháng 3/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 288 phê duyệt Chương trình phát triển đàn bò lai hướng thịt giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tăng số lượng đàn bò lên 38.000 con. Trong đó, bê lai F1 được tạo ra từ Chương trình khoảng 3.600 con, qua đó chọn lọc, tạo đàn bò cái sinh sản có chất lượng cao, phục vụ sản xuất giống bò thịt. Lực lượng thú y đề ra mục tiêu thực hiện phối giống cải tiến, cấp tiến cho khoảng 1.500 bò cái nền lai để tạo ra con lai có trọng lượng tăng gấp 1,5 lần so với bê lai hiện nay.
Thống kê của ngành Nông nghiệp, trọng lượng bình quân bê lai mới sinh trên địa bàn tỉnh đạt 23 kg/con, cao hơn 9 kg/con so với giống bê truyền thống của Việt Nam. Ở giai đoạn 6 tháng tuổi, bê lai đạt 118 kg/con, cao hơn bê truyền thống 46 kg/con. Giai đoạn 24 tháng tuổi, bò lai có trọng lượng khoảng 250 kg/con, cao hơn bò truyền thống 105 kg/con. |
Ngành chức năng, các địa phương tập huấn, tuyên truyền cho khoảng 800 lượt người chăn nuôi bò được tiếp cận khoa học, kỹ thuật mới về chăm sóc, nuôi dưỡng giống bò lai hướng thịt. Các kỹ thuật về chăn nuôi bò an toàn dịch bệnh; trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản thức ăn cho bò được các cấp, ngành quan tâm thực hiện.
Mỗi huyện, thành phố đề ra mục tiêu xây dựng ít nhất một mô hình về nuôi bò thịt gắn với tiêu thụ sản phẩm để người dân học tập, nhân rộng...