Giáo dân Đắk Ha đa dạng mô hình phát triển kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 06:32, 01/05/2021
Không chỉ giỏi làm kinh tế, nhiều giáo dân còn nhiệt tình ủng hộ, hiến tặng đất đai để làm nhà văn hóa, trường học cho thôn. Ông Phạm Văn Tương, Thôn trưởng thôn 6, Trưởng giáo khu được xem là điển hình trong phát triển sản xuất cũng như cống hiến cho xã hội.
Mô hình nuôi gà của ông Phạm Văn Tương cho thu nhập bình quân hàng năm 60 triệu đồng |
Trước đây, gia đình ông Tương có 1,5 ha cà phê trồng xen tiêu. Do trồng lâu năm, năng suất kém, cùng với đó giá cả bấp bênh, 4 năm trước, ông quyết định phá toàn bộ để đầu tư trồng cây ăn trái và chăn nuôi heo rừng, gà. Cụ thể, ông trồng 100 cây sầu riêng, 100 cây bơ, 100 cây bưởi và nuôi 30 con heo rừng, đàn gà 1.000 con.
Năm ngoái, 30 cây sầu riêng mới trồng cho thu hoạch 30 tấn, ông thu về 100 triệu đồng, Đối với heo rừng, mỗi năm ông bán ra thị trường được 30 con. Ông còn mở rộng trang trại nuôi gà thịt, mỗi lứa nuôi 1.000 con, mỗi năm 3 lứa, có thêm nguồn thu nhập lớn.
Ông Tương cho biết: “Với tình hình giá cả nông sản hiện nay không ổn định, nên tôi quyết định trồng nhiều loại cây ăn trái để phòng khi giá loại này thấp thì có loại khác bù vào. Bên cạnh đó, tôi phát triển chăn nuôi cũng với mục đích phòng khi cây trồng mất mùa, rớt giá thì nguồn thu từ vật nuôi sẽ giúp cuộc sống gia đình ổn định. Việc chăn nuôi cũng bổ sung cho cây trồng về phân bón, bớt chi phí mua các loại phân hóa học. Nhờ phát triển đa dạng về cây, con, gia đình tôi có thu nhập cao, ổn định khoảng hơn 200 triệu đồng/năm, không lo thiếu ăn như trước đây”.
Không chỉ giỏi về sản xuất, ông Tương còn là người rất tận tâm cống hiến cho xã hội bằng tài sản đất đai. Năm 2013, khi thôn xây dựng nhà văn hóa, ông đã bỏ tiền để mua khu đất 2.000m2 đất nằm trên mặt đường trung tâm thôn để hiến tặng. Tiếp đó, vào năm 2018, ông lại hiến tặng thêm 1.700 m2 đất để xây trường mầm non tại thôn. Những nghĩa cử cao đẹp này như ông cho biết là vì tương lai của con em, vì làng xóm chưa có nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, rèn luyện thể dục thể thao nên ông hiến tặng mà không đắn đo gì.
Trường mầm non Hoa Mai của thôn do ông Phạm Văn Tương hiến 1.700m2 đất |
Ông Hồ Nguyên ở thôn 7 lại chọn phát triển kinh tế với mô hình trồng cây dược liệu. Hiện nay, gia đình ông sử dụng hơn 8 ha đất để trồng 18 loại cây dược liệu, trong đó có các loại như sâm đại hành, xạ cam, đặc biệt giống nghệ bò cạp quý giá. Nghệ bò cạp là loại dược liệu có nhiều thành phần dược tính chữa, khống chế tế bào ung thư đã được các nhà khoa học nghiên cứu, công bố. Hiện nay, ông đã cung cấp giống và liên kết hàng chục hộ dân trồng 20 ha dược liệu, đến khi thu hoạch thì thu mua với giá 50.000 đồng/kg.
Chia sẻ về hướng làm ăn của gia đình, ông Nguyên cho biết: “Với 8 ha đất trồng các loại cây dược liệu, gia đình tôi không đủ cung cấp nguyên liệu cho các nhà bào chế thuốc trên toàn quốc. Do vậy, hiện nay gia đình đang liên kết với một số hộ dân để trồng các loại cây dược liệu, cung cấp cho thị trường trong nước và tương lai sẽ xuất khẩu sang Campuchia. Nguồn thu nhập từ cây dược liệu của gia đình, bình quân hàng năm được hơn 300 triệu đồng".
Ông Nguyên cũng là người hiến tặng 300 m2 đất cho thôn để làm nhà văn hóa. Ngoài ra, ông còn bán đất giá rẻ để thôn mở rộng khuôn viên nhà văn hóa. Những việc làm này được ông Nguyên chia sẻ là nhìn bà con có nơi vui chơi, hội họp, bản thân ông cũng thấy vui, không nghĩ đến lợi ích cá nhân.
Theo ông Đặng Văn Hướng, Chủ tịch UBND xã Đắk Ha, trên địa bàn xã hiện có 2.640 giáo dân theo đạo Công giáo và Tin Lành. Nhìn chung, các hộ gia đình giáo dân đều phát triển kinh tế khá, với 60% số hộ có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, số còn lại ở mức trung bình. Đa số giáo dân có lối sống lành mạnh, ý thức chấp hành pháp luật tốt và nhiệt tình cống hiến cho xã hội.