Để mô hình trồng dưa lưới phát triển bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 08:49, 06/05/2021
Anh Nguyễn Đức Thiện, ở thôn 5, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) cho biết, năm 2018, gia đình anh đầu tư hơn 350 triệu đồng làm 1.500m2 nhà kính để trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn hữu cơ. Dù đầu tư vốn lớn, nhưng chỉ sau khoảng 75 ngày (từ khi trồng đến khi thu hoạch) là anh có thể thu hồi vốn. Mỗi vụ dưa lưới, trừ chi phí, anh thu về tầm 200 triệu đồng.
Sản phẩm dưa lưới của anh Nguyễn Đức Thiện (ngoài cùng bên trái) được giới thiệu tại một sự kiện xúc tiến thương mại của tỉnh Đắk Nông |
Cách đây vài năm, chị Nguyễn Thị Ngọc Sen, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) cũng phát triển mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng. Dưa lưới thường được gia đình chị bán với giá từ 30.000 – 40.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi sào dưa lưới chị Sen thu nhập tầm 100 triệu đồng/vụ, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác...
Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và có xu hướng liên kết với nhau để nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu.
Chị Chu Thị Phương, ở tổ dân phố 4, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) sau 2 năm đầu tư trồng dưa lưới đã vận động được 4 hộ khác liên kết sản xuất. Các hộ đã đầu tư trồng khoảng 1 ha dưa lưới trong nhà màng. Họ liên kết với 1 công ty để được cung ứng cây giống, vật tư nông nghiệp. Đến thời điểm thu hoạch dưa lưới, thương lái đến tận vườn thu mua, nên việc tiêu thụ cũng rất thuận lợi.
Chị Phương cho biết: "Chúng tôi trồng được 4 vụ dưa lưới/năm. Vì thế, chúng tôi đang liên kết khai thác lợi thế này để mở rộng diện tích. Chúng tôi cũng đang tính đến việc thành lập tổ hợp tác để phát triển sản xuất tốt hơn”.
Chị Chu Thị Phương, tổ dân phố 4, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) vui mừng vì dưa lưới cho thu nhập cao |
Anh Trần Văn Thành, tổ dân phố 4, phường Nghĩa Đức cho biết, gia đình anh vừa đầu tư trồng 2.000 m2 dưa lưới. Anh đang rất cần được tư vấn về kỹ thuật và tổ chức sản xuất bài bản để phát triển bền vững cây trồng này.
Còn anh Nguyễn Đức Thiện, thôn 5, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi đang tìm hiểu các quy định để tập hợp các hộ dân trồng dưa lưới thành lập hợp tác xã, cùng nhau phát triển kinh tế”.
Theo ông Phạm Quang Vượng, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk R’lấp, thời gian qua, huyện đã tư vấn, hỗ trợ các hộ dân trồng dưa lưới theo hướng hữu cơ và vận động thành lập hợp tác xã để nâng cao giá trị kinh tế. Ông Vượng chia sẻ: "Dưa lưới trồng ở vùng Đắk Nông được đánh giá quả đẹp và ngon, nên chúng ta phải hướng tới việc xây dựng thương hiệu cho loại cây trồng này".
Nhiều nông dân mong muốn liên kết thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã trồng dưa lưới để sản xuất bài bản, nâng cao giá trị kinh tế |
Hiện nay sản phẩm dưa lưới chủ yếu phục vụ thị trường trong nước. Do đó, các ngành chức năng cần cung cấp thông tin thị trường, kỹ thuật sản xuất và định hướng cho nông dân.
Các hộ dân dù trồng dưa lưới theo quy trình VietGAP, hữu cơ, nhưng thực tế vẫn chưa được chứng nhận các tiêu chuẩn này. Trong khi đó, do người dân trồng dưa lưới với nhiều loại giống khác nhau, nên chưa bảo đảm tính đồng nhất về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Do đó, để nâng tầm giá trị sản phẩm dưa lưới Đắk Nông, bà con nông dân rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng, nhất là việc tập hợp sản xuất theo các quy trình tiêu chuẩn như VietGAP, hữu cơ…
Mặt khác, về phía người dân cần tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường, lựa chọn nguồn giống bảo đảm chất lượng để tránh tình trạng phát triển ồ ạt, dẫn đến mất mùa, mất giá như từng xảy ra với một số loại cây trồng khác.