Thương mại hóa sản phẩm khu vực nông thôn

Kinh tế - Ngày đăng : 11:17, 31/05/2021

Thời gian qua, ngành Công thương đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại các sản phẩm ở khu vực nông thôn. Trong đó, việc kết nối giao thương, phát triển thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm là những khâu được quan tâm nhiều nhất.

Nhiều sản phẩm được "nâng tầm"

Theo Sở Công thương, hiện nay, sản phẩm hàng hóa khu vực nông thôn của tỉnh chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm nông thôn được chia thành 3 nhóm chính, với 23 sản phẩm.

Sản phẩm sachi của Công ty cổ phần Sachi tây Nguyên (Đắk Mil) đang được xuất khẩu qua thị trường các nước Đài Loan, Malaysia

Trong đó, nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh có 4 sản phẩm; nhóm sản phẩm tiềm năng có 3 sản phẩm và nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương có 16 sản phẩm. Nhiều sản phẩm hàng hóa nông thôn hiện nay đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Toàn tỉnh có 36 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao. Ngoài ra, đến nay, toàn tỉnh đã có 30 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp.

Thị trường hàng hóa các sản phẩm khu vực nông thôn của tỉnh hiện đang được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, hàng hóa, sản phẩm nông thôn của tỉnh xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao và ổn định sang thị trường các nước thành viên trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương như: Singapore, Canada, Mexico, Peru, Chi Lê, New Zaeland, Úc, Nhật Bản,  Brunei và Malaysia...

Sản phẩm và kim ngạch xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường này là những mặt hàng nông nghiệp trong nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Cà phê, tiêu, điều, đậu phộng sấy, đậu nành sấy...

Bộ sản phẩm mắc ca của Công ty TNHH Thương mại-xuất nhập khẩu Macca Shachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa) đang tìm cơ hội tham gia thị trường xuất khẩu

Tìm giải pháp “đầu ra”

Đánh giá của Sở Công thương cho thấy, một số sản phẩm khu vực nông thôn của tỉnh đã tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu, nhưng số lượng còn hạn chế. Trong đó, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng năm cả các sản phẩm phát sinh không đáng kể và chưa ổn định.

Hàng năm, sản lượng thu hoạch của 16 sản phẩm nông thôn thuộc nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương rất lớn và phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, phần lớn do người dân phát triển tự phát, nhỏ, lẻ, trồng xen canh, trồng nhiều loại giống khác nhau… nên đã tạo ra những sản phẩm không đồng đều, không bảo đảm chất lượng.

Nhiều sản phẩm chưa truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ và chứng nhận các điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài theo đường chính ngạch.

Hiện nay, phần lớn sản phẩm được người dân tự bán ra các chợ truyền thống, chợ đầu mối hoặc thương lái thu mua tại vườn để bán ra thị trường nội địa và xuất sang thị trường duy nhất là Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Từ đó dẫn đến tình trạng nông sản bị thương lái thu mua ép giá và thường xuyên tái diễn tình trạng “được mùa - mất giá”…

Theo ông Lê Minh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) để phát triển thương mại cho các sản phẩm khu vực nông thôn, trước tiên, ngành tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại.

Nhiều sản phẩm hàng hóa khu vực nông thôn được tạo điều kiện tham gia các hội chợ. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Ngành Công thương tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm, xây dựng wesite... để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Các chương trình kết nối cung - cầu giữa các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài sẽ được thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia.

Mặt khác, ngành sẽ tiếp tục duy trì, phát triển và củng cố thị trường các nước thành viên trong Hiệp định thương mại Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Việc khai thác tiềm năng thị trường các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ được thúc đẩy hơn nữa. Đây là thị trường đầy tiềm năng, nhưng hiện nay kim ngạch xuất khẩu nông sản của Đắk Nông tại đây còn hạn chế. Vì vậy, để có chỗ đứng vững chắc ở thị trường này, một số ngành hàng nông, thủy sản của tỉnh như: Cà phê, hồ tiêu, điều… cần phải tổ chức lại sản xuất để bảo đảm nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao.

Các doanh nghiệp tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết, xây dựng vùng sản xuất có quy mô lớn, phù hợp cho từng loại nông sản; đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị cho các loại sản phẩm nông nghiệp từ khi sản xuất đến với người tiêu dùng. Có như vậy mới tạo ra được những sản phẩm nông nghiệp một cách đồng đều, đủ về số lượng, chất lượng, chủng loại, đáp ứng mọi yêu cầu của nhà nhập khẩu”, ông Tuấn cho biết thêm.

Lê Dung