Thuận An đi đầu về tái canh cà phê
Kinh tế - Ngày đăng : 09:50, 15/06/2021
Từ nhiều năm nay, gia đình ông Đỗ Hoàng Ngọc Nghĩa, thôn Đức An, xã Thuận An đã thực hiện tái canh hơn 4 ha cà phê già cỗi. Theo ông Nghĩa, việc tái canh cà phê được ông thực hiện bằng hình thức nhổ bỏ cây cũ, trồng cây mới.
Vườn cà phê tái canh của ông Đỗ Hoàng Ngọc Nghĩa, thôn Đức An, xã Thuận An (Đắk Mil) được nhiều người đến tham quan, học tập. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021) |
Quá trình tái canh cà phê thường ảnh hưởng đến thu nhập trong 3 năm đầu. Vì vậy, giai đoạn này, ông đã trồng xen các loại cây ngắn ngày để "lấy ngắn nuôi dài".
Vườn cà phê tái canh có những đặc điểm tốt hơn cà phê cũ như khả năng chống chịu với thời tiết thay đổi, ít sâu bệnh, quả chín đồng đều..., nên thuận lợi cho thu hoạch và khâu bảo quản. Năng suất của vườn cà phê tái canh đạt khoảng 4-5 tấn/ha và thu nhập cao hơn so với vườn cũ khoảng 50 triệu đồng/ha/vụ.
Để tái canh cà phê hiệu quả, theo ông Nghĩa, trước hết cần tập trung vào khâu làm đất và chọn giống. Đất được ông chuẩn bị kỹ càng, xử lý bảo đảm sạch nguồn bệnh trước khi xuống giống. Còn cây giống được ông mua tại cơ sở cung ứng có chứng nhận, có uy tín...
Cũng tái canh cà phê, nhưng gia đình ông Nguyễn Duy Tuấn, thôn Thuận Thành, lại chọn phương án ghép chồi. Gia đình ông có 3 ha cà phê già cỗi, hiện đã tái canh được gần 2 ha.
Cà phê tái canh năm thứ 3 của gia đình ông Đỗ Hoàng Ngọc Nghĩa, thôn Đức An, xã Thuận An (Đắk Mil) cho năng suất từ 4-5 tấn/ha |
Theo ông Tuấn, việc ghép chồi có ưu điểm là có thể tận dụng được những gốc cà phê cũ còn khỏe mạnh, nhanh có thu nhập hơn so với trồng mới. Thế nhưng, phương pháp này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nếu gốc cà phê cũ có mang mầm bệnh.
Do đó, việc ghép tái canh cà phê chỉ nên thực hiện ở những gốc còn khỏe mạnh. Kỹ thuật ghép, chồi ghép cũng là vấn đề quan trọng. Trong đó, chồi ghép được ông lựa chọn kỹ càng, đạt loại 1 ở cây cà phê khỏe mạnh, năng suất cao...
Theo UBND xã Thuận An, hoạt động tái canh cà phê trên địa bàn diễn ra từ nhiều năm qua. Nhất là từ năm 2012, khi UBND tỉnh triển khai Chương trình tái canh cà phê, hoạt động này càng được đẩy mạnh hơn.
Chính quyền địa phương, các đoàn thể tích cực tuyên truyền, xây dựng các mô hình tái canh cà phê hiệu quả, sau đó vận động người dân tham quan, học tập để nhân rộng. Xã tăng cường phổ biến, truyền đạt kinh nghiệp, kỹ thuật tái canh cà phê cho người dân.
Địa phương đã tận dụng tốt nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác nhau để đẩy mạnh tái canh cà phê. Giai đoạn 2015-2020, tổng diện tích cà phê tái canh của xã Thuận An đạt hơn 1.000 ha, vượt kế hoạch 148 ha.
Vườn cà phê tái canh bằng ghép chồi của ông Nguyễn Duy Tuấn, thôn Thuận Thành, xã Thuận An (Đắk Mil) phát triển tốt |
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, Thuận An sẽ tiếp tục tái canh 835 ha cà phê. Ông Trần Khắc Dũng, Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết, tái canh cà phê đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê cho người dân.
Hiệu quả của tái canh cà phê giúp địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Thu nhập của người trồng cà phê sau tái canh trở nên ổn định và cao hơn so với trước tái canh.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, người trồng cà phê trên địa bàn hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu, giá cả thiếu ổn định...
Do đó, xã Thuận An sẽ tích cực phối hợp với các cấp, ngành để gắn việc tái canh cà phê với xây dựng, nhân rộng sản xuất theo chuỗi liên kết. Từ đó, tạo tiền đề cho người dân sản xuất cà phê ổn định, bền vững hơn.