Sản phẩm nông lâm thủy sản ngày càng bảo đảm chất lượng
Kinh tế - Ngày đăng : 08:23, 29/06/2021
Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ An Phát (Gia Nghĩa) hiện thu mua, chế biến sản phẩm mắc ca. Theo chị Nguyễn Thị Dịu, Giám đốc công ty, đơn vị đầu tư sản xuất theo nguyên tắc an toàn, vệ sinh từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm.
Sản phẩm mắc ca của Công ty TNHH MTV TMDV An Phát (Gia Nghĩa) đạt chứng nhận VSATTP |
Hệ thống máy móc, trang thiết bị sấy, tách, đóng gói hạt mắc ca được công ty vệ sinh thường xuyên. Công ty trang bị đầy đủ khẩu trang, bảo hộ lao động và khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.
Nhiều năm liền, công ty đạt chứng nhận về VSATTP. Sản phẩm của công ty được nhiều người tin dùng. Chị Dịu cho biết: “Bảo đảm VSATTP còn là căn cứ để đơn vị đạt được các chứng nhận cao hơn như OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong năm 2020”.
Tương tự, để sản xuất các sản phẩm từ quả gấc bảo đảm VSATTP, theo anh Trần Đình Lượng, thành viên Ban Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nam Hà (Cư Jút) đơn vị luôn quan tâm, chú trọng từ khâu nguyên liệu đầu vào. HTX đã hướng dẫn nông dân liên kết sản xuất tuân thủ các quy tắc, quy trình về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng vùng nông sản “sạch”, hữu cơ. Khi thu hái quả gấc phải đúng kỹ thuật, vật dụng chứa đựng sản phẩm sạch sẽ, an toàn.
HTX chia từng khu vực sản xuất riêng như: Khu nguyên liệu thô, sơ chế; khu sản phẩm tinh trong kho đông lạnh; khu sản phẩm đã đóng gói. Hiện các mặt hàng dầu gấc; bún, phở gấc của HTX được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhiều nhà phân phối ký hợp đồng bao tiêu.
“HTX tích cực học hỏi từ các bạn hàng, đối tác, tham gia các lớp tập huấn của ngành chức năng để tìm hiểu, áp dụng các quy trình, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng của từng sản phẩm”, anh Lượng cho biết thêm.
Sản phẩm bún gấc do HTX Nam Hà (Cư Jút) sản xuất bảo đảm VSATTP |
Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, ngành sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản thời gian qua đã có những thay đổi, chuyển biến nhất định.
Những chuyển biến xuất phát từ những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Mặt khác, khi giá trị nông sản càng cao thì sẽ tăng tính cạnh tranh, thu được lợi nhuận cao và ổn định hơn.
Do đó, bà con đã tự chuyển đổi, điều chỉnh cách thức sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Những năm qua, các cấp, ngành, đoàn thể đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về VSATTP, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành động của người sản xuất, kinh doanh.
Ngành Nông nghiệp đã tập huấn, hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình về sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản bảo đảm VSATTP. Lực lượng chuyên ngành thực hiện việc kiểm tra, thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.
Qua đợt kiểm tra vào tháng 5/2020, lực lượng thanh tra liên ngành đã giám sát, kiểm tra điều kiện về VSATTP tại 164 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Kết quả cho thấy, 100% cơ sở đều đạt chuẩn an toàn VSATTP theo quy định. 16 mẫu sản phẩm có nghi ngờ về mất VSATTP được phân tích, kiểm nghiệm, chỉ có 1 mẫu không bảo đảm an toàn. Đây là một chuyển biến tích cực, thể hiện người sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã nhận thức được về bảo đảm VSATTP.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương đồng bộ các yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp thông qua nhiều chương trình, kế hoạch.
Cụ thể như về nhân rộng các cơ sở sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, Global GAP, Oganic... gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm...