Đắk Mil phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Kinh tế - Ngày đăng : 09:47, 12/08/2021
Đắk Mil có 44.245 ha đất sản xuất nông nghiệp, với cơ cấu sử dụng đất tương đối hợp lý. Cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn trái, ca cao... là nhóm cây chủ lực của địa phương, tạo thu nhập chính cho nhiều người dân.
Nhiều năm qua, huyện chủ động phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng tập trung hàng hóa, gắn với xây dựng hạ tầng nông thôn. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của huyện đã đạt được những kết quả quan trọng.
Xã viên HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An sơ chế sản phẩm |
Trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) với nông dân. Các mô hình liên kết diễn ra theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đang tích cực thực hiện Chương trình phát triển cà phê bền vững theo bộ tiêu chuẩn 4C, UTZ, Fairtrade. Toàn huyện hiện có 1 HTX, 25 tổ hợp tác (THT) và 522 hộ gia đình tham gia Chương trình, với tổng diện tích gần 1.500 ha.
Trong đó, HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An có 110 hộ, diện tích 290 ha; xã Đức Mạnh có 15 THT, với 272 hộ, diện tích 710 ha; xã Đắk Lao 10 THT, với 140 hộ, diện tích 410 ha.
Các đơn vị, địa phương này đều liên kết với Công ty Cà phê Đắk Man và Công ty Cà phê 2/9. Quá trình liên kết, Công ty thực hiện việc hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân, HTX.
Thực hiện Đề án nâng cao năng suất, chất lượng vườn cà phê giai đoạn 2012 – 2020, Đắk Mil tái canh được 7.819 ha cà phê già cỗi, đạt 102,35% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích cà phê trồng tái canh là 6.394 ha, ghép cải tạo 1.425 ha.
Ngoài ra, để tăng giá trị sản phẩm cà phê của địa phương, huyện kêu gọi 7 tổ chức và cá nhân đầu tư dây chuyền rang, xay, chế biến cà phê bột. Từ đó, tạo thu nhập tốt cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời quảng bá thương hiệu cà phê của địa phương đến nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Đối với cây ăn quả, hiện trên địa bàn huyện có 2.773 ha, trong đó: Xoài 918 ha, tập trung chủ yếu tại xã Đắk Gằn và Đắk R'la; sầu riêng 803 ha và 1.052 ha cây ăn quả khác.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cây ăn quả đã giúp người dân có thu nhập tương đối cao, nhất là xoài, sầu riêng, bơ (đều có thu nhập trên 250 triệu đồng/ha ở thời điểm chưa có dịch Covid-19).
Huyện đã đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm cây ăn quả thế mạnh. Đến nay, trên địa bàn có một số sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp nhãn hiệu tập thể như: Sầu riêng, xoài Đắk Mil và nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Đắk Mil”.
Huyện đã hướng dẫn thành lập các tổ chức sản xuất nông nghiệp như: HTX xoài Đắk Gằn; THT xoài thôn Tân Lập, xã Đắk Gằn; THT bưởi da xanh, xã Đắk Sắk; THT bơ Đắk Mil...
Tổng diện tích sản xuất của các tổ chức sản xuất này hơn 400 ha. Hầu hết sản phẩm đều được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Theo lãnh đạo huyện Đắk Mil, sản xuất nông nghiệp đang có bước phát triển khá, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp đạt 3,64%.
Giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện thu được trên 1 ha đất sản xuất là 68,2 triệu đồng/năm, tăng 1,85 lần so với năm 2011. Giá trị chăn nuôi, thủy sản đạt 8,5% trong cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp trên địa bàn.
Nông nghiệp phát triển góp phần thúc đẩy đồng bộ hóa về hạ tầng nông thôn. Đến nay, nhiều khu vực nông thôn của huyện đã có bước phát triển khá, tỷ lệ đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa ngày càng cao. Hệ thống trường lớp của huyện ngày càng khang trang, sạch đẹp, chất lượng giáo dục có bước phát triển khá.
Theo ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, huyện đang hướng tới mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới trong thời gian sớm nhất. Để đạt được mục tiêu này, trước hết, huyện phải đạt được các mục tiêu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.