Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững (kỳ 2): Tìm hướng đi bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 09:41, 25/08/2021
Sắp xếp lại CNNH
CNNH là hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, diễn ra tại hộ gia đình nông dân. Theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp - PTNT, số hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ ở các nước đang phát triển, chậm phát triển là trên 60%. Đối với Việt Nam CNNH có tỷ lệ cao hơn bình quân thế giới.
CNNH góp phần xóa đói giảm nghèo nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số |
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, cần có sự nhìn nhận đầy đủ hơn về vai trò, tầm quan trọng của CNNH. Trong đó, với điều kiện của tỉnh hiện nay, CNNH có ý nghĩa lớn đối với việc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nguồn thực phẩm tại chỗ, nhất là vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
CNNH trên địa bàn tỉnh có những hạn chế về kỹ thuật, năng suất kém, chất lượng sản phẩm chưa cao. Do đó, trong quá trình tái cơ cấu toàn lĩnh vực này cần phải sắp xếp lại CNNH phù hợp, với nhiều khía cạnh, nội dung.
Cụ thể về phương thức chăn nuôi, cần quan tâm đến các yếu tố như: Bảo đảm an toàn sinh học; nhóm sản phẩm; tái cơ cấu đầu tư; phát triển vùng chăn nuôi. Trong đó, tái cơ cấu về phương thức chăn nuôi an toàn sinh học là cốt lõi nhất.
CNNH sẽ giải quyết thêm việc làm cho người dân ở vùng nông thôn |
Người dân cần đáp ứng các yêu cầu, điều kiện chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thực hiện liên quan, nhất là an toàn sinh học.
Các nông hộ cũng cần phải thay đổi tư duy và thói quen chăn nuôi. Nếu như trước kia, chăn nuôi chưa biết bán cho ai thì giờ phải quan tâm đến thị trường, đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả của chăn nuôi.
"Nông hộ cần quan tâm đến yếu tố kỹ thuật trong chăn nuôi, cần làm theo quy trình. Các yếu tố đầu vào gồm thức ăn, nước uống, chuồng trại, phòng bệnh, con giống... phải được kiểm soát, ghi chép lại", ông Anh chia sẻ.
90% hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ở dạng nhỏ lẻ, tự phát, thiếu quy mô hàng hóa |
Đẩy mạnh liên kết
Gia đình anh Nguyễn Thành Đoan, thôn 5, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) đã nuôi heo rừng trong nhiều năm qua. Từ chỗ chỉ có 2 cặp heo, sau 3 năm chăn nuôi, hiện anh Đoan có đàn heo lên tới 50 con.
Theo anh Đoan, heo rừng có sức đề kháng mạnh, chi phí nuôi không cao, phẩm chất thịt tốt, nên luôn cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với heo nhà. Sản phẩm heo rừng cũng ít phụ thuộc vào thị trường.
Nguồn thu nhập hàng năm từ nuôi heo rừng của gia đình anh Đoan tương đối lớn. Gia đình anh mong muốn tiếp tục mở rộng quy mô đàn, tăng thu nhập lớn hơn nữa.
Ngành Chăn nuôi sẽ bền vững hơn nếu các hoạt động chăn nuôi được liên kết với nhau |
Tuy nhiên, vấn đề mà anh Đoan lo ngại nhất hiện nay là "đầu ra". Thực tế lâu nay, sản phẩm heo rừng chủ yếu phục vụ nhu cầu nhỏ lẻ ở địa phương. Còn tiêu thụ theo quy mô hàng hóa, thậm chí xuất khẩu thì chưa làm được.
Không chỉ gia đình anh Đoan, hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Họ thừa nguồn lực để phát triển chăn nuôi một cách bài bản, nhưng đều e ngại với "đầu ra".
Theo một số bà con, hoạt động chăn nuôi của họ hiện nay chủ yếu vẫn theo hướng tự phát, nhỏ lẻ, chưa có liên kết đầu ra. Do đó, việc tạo liên kết giữa các nông hộ với nhau để có số lượng hàng hóa lớn, gắn với giết mổ, tiêu thụ theo quy mô hàng hóa là điều rất cần thiết.
Khi bà con chăn nuôi liên kết được với nhau và liên kết được với doanh nghiệp, chắc chắn không còn lo ngại nhiều về khâu tiêu thụ. Ngành chăn nuôi khi đó có cơ hội phát triển bền vững hơn.
Mục tiêu ngành chăn nuôi Đắk Nông đến năm 2025 đạt 39.500 tấn, trong đó thịt heo chiếm từ 92-94%. Ngành chăn nuôi phấn đấu phát triển theo hướng hàng hóa, bền vững, chất lượng cao. Đồ họa: V.D |
>>Kỳ 3: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý