Phát triển thủy sản chưa xứng với tiềm năng
Kinh tế - Ngày đăng : 08:52, 31/08/2021
Từng bước khai thác tiềm năng
Những năm qua, UBND tỉnh ban hành một số chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế thủy sản bền vững, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2035. Tỉnh đặt mục tiêu chung là khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, phát triển bền vững ngành thủy sản.
Khai thác, phát triển nuôi trồng thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng đang có |
Tỉnh đề ra định hướng cơ cấu thủy sản hợp lý, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái. Thủy sản gắn với nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Thực hiện các chương trình, kế hoạch này, ngành thủy sản đã triển khai và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Sở Nông nghiệp - PTNT đã khảo sát, thống kê nguồn lợi thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Các cấp, ngành, cộng đồng có những hoạt động tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã thả được hơn 437.300 con cá giống các loại xuống các hồ đập, sông suối.
Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã được thành lập, từng bước sản xuất giống thủy sản cung ứng ra thị trường. Riêng năm 2020, trung tâm đã sản xuất, cung ứng ra thị trường được 8.200 kg cá giống.
Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, tính đến cuối năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh trên 1.800 ha. Tổng sản lượng thủy sản hàng năm (gồm cả khai thác và nuôi trồng) đạt khoảng 7.300 tấn. |
Cơ cấu ngành thủy sản có những đóng góp nhất định cho sự phát triển chung về kinh tế, xã hội của tỉnh. Đặc biệt, kinh tế thủy sản đã giải quyết nhiều việc làm cho nông dân, nhất là vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát triển chưa tương xứng
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp - PTNT, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động phát triển kinh tế thủy sản thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng đang có, chưa bền vững. Trữ lượng thủy sản trên các hồ đập, sông suối tự nhiên giảm vì áp lực đánh bắt và ảnh hưởng từ các hoạt động sản xuất.
Tình trạng khai thác thủy sản bằng các ngư cụ cấm, xung điện vẫn diễn ra. Việc đánh bắt không đúng mùa vụ làm suy giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Khai thác, nuôi trồng thủy sản góp phần tạo thêm việc làm cho nông dân, nhất là vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số |
Công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản chưa được quan tâm, chú trọng. Thiếu nhân sự trong công tác quản lý, thậm chí một số huyện không có cán bộ có trình độ chuyên môn về thủy sản.
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản ở một số chính quyền địa phương, nhất là cấp xã chưa được quan tâm đúng mức.
Việc chấp hành Luật Thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học của người dân còn hạn chế, ý thức chưa cao. Nhiều người dân có thói quen đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt.
Một số loài thủy sản bản địa thuộc diện quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như: cá mõm trâu, cá anh vũ, cá chình, cá lăng đuôi đỏ... có nguy cơ cạn kiệt.
Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, kinh phí thường xuyên phục vụ công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiện nay còn eo hẹp.
Lực lượng làm công tác quản lý lĩnh vực thủy sản còn thiếu, yếu nhiều khâu. Chính vì thế, một số mục tiêu về phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh chưa có nhiều chuyển biến. Ví dụ, việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản còn thấp, chưa đạt mục tiêu về diện tích, chưa hình thành được vùng tập trung.
Các mục tiêu chế biến, thương mại, liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ trong sản phẩm trong hoạt động thủy sản hầu như chưa có. "Nguồn lực thủy sản là khá lớn, nhưng khách quan mà nói, chúng ta chưa khai thác tương xứng với tiềm năng đang có. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở tiếp tục rà soát, đánh giá tham mưu cho tỉnh thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra đối với phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh", bà Tình cho biết.