Vốn vay ưu đãi với đồng bào vùng biên
Kinh tế - Ngày đăng : 08:54, 15/09/2021
Ghi nhận tại xã Quảng Trực
Xã Quảng Trực (Tuy Đức) có gần 35% hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Trong số này, có hơn 80% hộ gia đình được vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH). Nhờ nguồn vốn vay, đồng bào tại đây có điều kiện đầu tư vào sản xuất, mang lại thu nhập hiệu quả.
NHCSXH huyện Tuy Đức giao dịch với người dân tại xã Quảng Trực |
Gia đình chị Thị Thúy, bon Bu Jap hiện đang vay từ NHCSXH nguồn vốn thuộc 2 chương trình, gồm cho vay hộ nghèo và nước sạch. Tổng nguồn vốn chị được vay đến thời điểm này là 70 triệu đồng. Theo chị Thị Thúy, gia đình chị có 6 thành viên. Cuộc sống chủ yếu dựa vào 2 ha cà phê trồng xen cây tiêu. Những năm vừa qua, giá tiêu, cà phê xuống thấp. Chi phí tái đầu tư hầu như không có nên vườn cây cho năng suất thấp.
Năm 2019, gia đình chị được vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo mà NHCSXH huyện triển khai. Có nguồn vốn, gia đình chị tập trung vào đầu tư 2 ha cà phê. Vườn cây được đầu tư nên từng bước phát triển, năng suất được cải thiện. Mấy vụ mùa gần đây, bình quân mỗi năm gia đình chị thu hoạch được trên 8 tấn nông sản các loại. Sau khi trừ chi phí đầu tư, chị dành dụm thêm một ít để chăn nuôi thêm gà, heo tăng thu nhập.
Đến cuối năm 2020, gia đình chị được NHCSXH xem xét cho vay thêm 20 triệu đồng từ chương trình nước sạch. Hệ thống bồn, giếng nước được gia đình xây dựng sạch sẽ. Điều kiện sinh hoạt cũng được cải thiện nhiều.
“Cuộc sống đang từng bước ổn định. Mấy đứa con của gia đình được đến trường đầy đủ. Vậy là hạnh phúc lắm rồi. Giờ gia đình mong giá cả các loại cây trồng lên cao để có điều kiện thoát nghèo tốt hơn”, chị Thúy chia sẻ.
Người dân xã Quảng Trực (Tuy Đức) được vay vốn từ NHCSXH đầu tư phát triển vườn cây |
Toàn xã Quảng Trực có trên 1.500 hộ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH. Dư nợ các hộ vay đến nay hơn 78 tỷ đồng. Riêng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại địa phương đều được vay vốn từ NHCSXH.
Theo ông Nguyễn Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã “tiếp sức” rất lớn cho người dân trên địa bàn. Thông qua nguồn vốn vay, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng cây hiệu quả được bà con triển khai.
Chính quyền xã luôn phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn người dân, nhất là bà con đồng bào sử dụng nguồn vốn hiệu quả. “Chúng tôi luôn sát cánh với người dân. Bà con thường xuyên được tư vấn, về sử dụng vốn hiệu quả. Nguồn vốn được phát huy tác dụng, người dân tự tin hơn trong việc trả lãi, nợ gốc đúng hạn cho ngân hàng và tiếp tục đầu tư vào phát triển kinh tế”, ông Lý cho biết.
Luôn ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào
Huyện Tuy Đức là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Những năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện luôn ưu tiên nguồn vốn cho các đối tượng này.
Đến nay, toàn huyện có gần 8.910 hộ được vay vốn ưu đãi, dư nợ gần 440 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 3.500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.
Cán bộ NHCSXH tỉnh Đắk Nông xuống cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng về nguồn vốn sản xuất của người dân |
Theo ông Trần Duy Kiên, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tuy Đức, hằng năm, trên cơ sở nguồn vốn phân bổ từ cấp trên, địa phương chủ động tạo điều kiện cho người dân vay vốn. Đơn vị rà soát, tổng hợp nhu cầu vay theo từng chương trình để cho vay hợp lý. Thông qua việc rà soát, đối với các hộ khó khăn, NHCSXH sẽ ưu tiên về vốn vay. Trong đó, đơn vị sẽ chú trọng nhiều hơn đến các đối tượng đồng bào dân tộc ở những xã vùng sâu, vùng xa.
“Chúng tôi phối hợp với các phòng, ban, các xã trên địa bàn để nguồn vốn đến với bà con một cách nhanh nhất”, ông Kiên nhấn mạnh.
Cũng theo ông Kiên, sau khi giải ngân, công tác phối hợp với các phòng chức năng tập huấn về chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho bà con được ngân hàng chú trọng. Địa phương thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra việc sử dụng vốn, cũng như nắm bắt khó khăn, vướng mắc của người dân. Đối với những hộ nào cần vay thêm nguồn vốn để đầu tư sản xuất, đơn vị xem xét cho vay bổ sung thêm.
“Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Bà con nào mà điều kiện kinh tế quá khó khăn, chúng tôi xem xét gia hạn, giãn nợ. NHCSXH huyện tiếp tục đồng hành với người dân để làm sao hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi kịp thời, giúp bà con yên tâm phát triển, ổn định cuộc sống”, ông Kiên cho biết thêm.