Kéo dài thời gian cơ cấu nợ, doanh nghiệp được gỡ khó
Kinh tế - Ngày đăng : 09:03, 17/09/2021
Nhiều điểm mới
Sau 5 tháng kể từ khi ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi lần 1 Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư 14 sửa đổi lần 2 nhằm tiếp tục kéo dài thời gian cơ cấu nợ, phạm vi cơ cấu nợ.
Theo đánh giá của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, việc sửa đổi lần 2 này diễn ra nhanh chóng, kịp thời. Điều này tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp tiếp tục được gỡ khó.
So với các quy định cũ, Thông tư 14 có 2 điểm mới đáng lưu ý. Đó là phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí được mở rộng hơn. Ngoài ra, thời gian cơ cấu nợ cũng được kéo dài thêm 6 tháng.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Đầu tư Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank) Chi nhánh Đắk Nông |
Theo ông Phạm Quốc Việt, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển (BIDV) Chi nhánh Đắk Nông, việc giãn thời gian cơ cấu nợ theo thông tư mới rất cần thiết. Doanh nghiệp có thêm thời gian quay vòng vốn. Ngoài ra, thông tư còn giúp ngân hàng hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp.
“Thông tư 14 ban hành sẽ giúp ngân hàng, doanh nghiệp “dễ thở” hơn. Dựa trên nội dung sửa đổi, chúng tôi sẽ đẩy nhanh cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng”, ông Việt cho biết.
Ngoài một số điểm mới, Thông tư 14 còn bổ sung khoản d, Điều 4. Theo đó, các tổ chức tín dụng được cơ cấu nợ cho cả số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 7/9/2021.
Quy định này đã mở đường cho tổ chức tín dụng cơ cấu nợ cho cả khách hàng có khả năng trả nợ, nhưng lại không thể đến ngân hàng trả nợ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Đại diện một số ngân hàng thương mại cho biết, ngay khi có Thông tư 14, các đơn vị tiếp tục triển khai cơ cấu nợ cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp đủ điều kiện. Tùy theo từng trường hợp, từng lĩnh vực hoạt động với mức độ ảnh hưởng ra sao, ngân hàng sẽ có chính sách phù hợp.
Tuy nhiên, không phải tất cả các khách hàng đang có dư nợ tại các ngân hàng đều được hỗ trợ. Theo lý giải của một số tổ chức tín dụng, khi dịch Covid-19 mới bùng phát, nguồn lực các ngân hàng còn dồi dào, lợi nhuận cao nên khả năng hỗ trợ khách hàng tốt hơn.
Còn hiện tại, nguy cơ nợ xấu gia tăng, áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng ngày càng lớn. Ngay cả các khoản nợ được cơ cấu, bản thân các ngân hàng cũng phải trích lập đầy đủ trong vòng 3 năm tới.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT (Agribank) Chi nhánh Đắk Mil |
Doanh nghiệp bớt nỗi lo
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đắk Nông, đến hết tháng 8/2021, dư nợ toàn ngành ngân hàng đối với nền kinh tế trên địa bàn hơn 31.960 tỷ đồng, tăng 5,73% so với đầu năm. Trong đó, số doanh nghiệp được vay vốn thông qua các ngân hàng thương mại gần 700 đơn vị, với tổng dư nợ hơn 4.300 tỷ đồng.
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát phức tạp, việc ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại nợ đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ phía khách hàng.
Theo ông Trần Hữu Khanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lộc Thịnh (Đắk R’lấp), nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát, bắt đầu từ quý I/2022 việc củng cố lại dòng thu mới được thực hiện.
Thời điểm này, các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ, nhất là đối với các khoản vay vốn lưu động phải đáo hạn vào đầu quý IV/2021.
“Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ chẳng những giúp doanh nghiệp không phải chịu lãi phạt quá hạn, mà còn dễ dàng tiếp cận các khoản vay mới do không bị vướng nợ xấu”, ông Khanh cho biết.
Công ty Cổ phần Việt Phương (Gia Nghĩa) cũng nằm trong diện mới vừa được ngân hàng cơ cấu nợ theo Thông tư 14. Theo ông Nguyễn Trí Việt, Giám đốc công ty, khi được ngân hàng xem xét cơ cấu nợ, doanh nghiệp có thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo ông Việt, ngoài cơ cấu nợ, các doanh nghiệp muốn được hỗ trợ cấp tín dụng mới để có nguồn vốn phục hồi sản xuất. Bài toán tiếp cận vốn tín dụng mới sau khi đã được cơ cấu nợ cũng rất khó khăn, vì tài sản đã thế chấp gần hết.
Chưa kể, một số ngân hàng hiện nay còn siết điều kiện cho vay, chỉ giải ngân tối đa không quá 70% giá trị tài sản bảo đảm. “Để cứu được doanh nghiệp, cần thêm những chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp nhiều hơn”, ông Việt bày tỏ.
Một trong những điểm nổi bật nhất của Thông tư 14 là các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc hoặc lãi của khoản nợ thêm 6 tháng, tới ngày 30/6/2022 thay vì cuối năm 2021 như quy định trước đó. Các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính cũng được cơ cấu thay vì quy định cũ là ngày 10/6/2020.