Đắk Nông và yêu cầu mở rộng vùng nguyên liệu hàng hóa
Kinh tế - Ngày đăng : 10:20, 04/10/2021
Doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu
Thời gian qua, vấn đề phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn được nhiều người dân, doanh nghiệp rất quan tâm. Theo nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản, việc bảo đảm nguồn nguyên liệu để cung ứng ra thị trường hoặc cho nhà máy hoạt động là điều tương đối khó hiện nay.
Do nguồn nguyên liệu không ổn định đã ảnh hưởng đến các hợp đồng, nhiều đơn vị không giám ký các đơn hàng lớn, nhất là phục vụ xuất khẩu vì lo không đủ nguyên liệu.
Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp) mỗi năm xuất khẩu hàng ngàn tấn sản phẩm hạt điều ra các thị trường, trong đó nhiều nhất là Trung Quốc. Những năm qua, công ty luôn đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu. Nhiều thời điểm công ty phải thu mua sản phẩm hạt điều ở ngoài tỉnh hoặc từ Campuchia mới đủ phục vụ chế biến.
Huyện Đắk Mil đang nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu xoài ở xã Đắk Gằn |
Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức, công ty mong muốn có vùng nguyên liệu lớn, để ổn định sản xuất. Bởi thực tế thời gian qua, nguồn nguyên liệu trên địa bàn thường không ổn định, chưa đáp ứng được nhu cầu của công ty.
Cũng liên quan đến nội dung này, ông Đặng Ngọc Hương, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha (Đắk Glong) cho biết, hằng ngày, HTX phải cung ứng một lượng lớn các sản phẩm rau, củ cho thương lái tại chợ đầu mối ở TP. Thủ Đức.
Do đó, nếu như không phát triển được vùng nguyên liệu lớn, HTX không thể bảo đảm uy tín để làm ăn lâu dài. Chính vì thế, HTX đang mở rộng liên kết với người dân để từng bước phát triển vùng nguyên liệu lớn.
Định hướng phát triển nguồn nguyên liệu
Bên cạnh vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn, sản lượng ổn định, việc bảo đảm chất lượng sản phẩm cũng được nhiều đơn vị, doanh nghiệp quan tâm. Hàng hóa chất lượng sẽ tạo đầu vào tốt cho doanh nghiệp phục vụ chế biến, cung ứng ra thị trường.
Tại Hội nghị trực tuyến về kết nối tiêu thụ nông sản khu vực Tây Nguyên diễn ra vào ngày 25/9/2021, nhiều đại biểu đã đề cập đến vấn đề này. Theo bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (TP. Hồ Chí Minh), nguyên liệu ổn định, có chất lượng là yêu cầu cốt lõi để tạo ra sản phẩm tốt.
Vùng nguyên liệu lúa ở xã Buôn Choáh (Krông Nô) vẫn chưa đủ lớn để phục vụ nhu cầu thị trường |
Thế nhưng, vấn đề này còn nhiều hạn chế ở các địa phương. Thực tế là vùng nguyên liệu ở các tỉnh còn phân tán, nhỏ lẻ, chất lượng thiếu ổn định, chưa bảo đảm cung ứng cho các doanh nghiệp.
Theo bà Vy, để khắc phục được điều này, vai trò của chính quyền các tỉnh, thành phố rất quan trọng. Nó không chỉ ở quy hoạch, quản lý vùng trồng mà còn cả ở việc bảo đảm các yếu tố về giống, kỹ thuật phù hợp để cho ra sản phẩm chất lượng tốt.
“Hiện nay công ty đang đầu tư nhà máy chế biến trái cây tại tỉnh Đắk Lắk. Chúng tôi rất hy vọng các địa phương ở khu vực Tây Nguyên cùng vào cuộc xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm cho nhà máy hoạt động”, bà Vy cho biết.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, hiện nay đơn vị đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, thu thập lại cơ sở dữ liệu chung của ngành Nông nghiệp. Từ đó, sẽ có những đánh giá, phân tích, nhận định tình hình và định hướng phát triển sản xuất ở giai đoạn mới.
Hiện nay, việc phát triển các vùng nguyên liệu nông sản của tỉnh đã hình thành như: vùng lúa Buôn Choáh, ngô giống Đức Xuyên ở Krông Nô; rau, củ ở Đắk Song; xoài, sầu riêng ở Đắk Mil… Tuy nhiên, quy mô các vùng nguyên liệu còn nhỏ, sản phẩm chưa đồng đều về chất lượng.
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, vấn đề liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu đã được tỉnh, ngành Nông nghiệp quan tâm. Đắk Nông sẽ thực hiện lồng ghép vào các đề án về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp - PTNT, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng các vùng nguyên liệu quy mô lớn...