Xây dựng Đắk Nông thành Trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia
Kinh tế - Ngày đăng : 10:17, 13/10/2021
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đắk Nông đặt mục tiêu “Xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên”; “Trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia” đến năm 2030.
Để khát vọng này sớm trở thành hiện thực, Đắk Nông đã, đang lấy phát triển công nghiệp khai thác bô xít, chế biến alumin, luyện nhôm và các ngành phụ trợ làm động lực chính.
Trữ lượng khoáng sản lớn
Đắk Nông có tiềm năng lớn về tài nguyên quặng bô xít, với tổng trữ lượng hơn 3,4 tỷ tấn quặng nguyên khai, trải rộng trên hầu hết diện tích của tỉnh, chiếm 2/3 tổng trữ lượng và tài nguyên quặng bô xít cả nước.
Trữ lượng và tài nguyên quặng tinh trên địa bàn tỉnh dự tính khoảng 1.436 triệu tấn, hàm lượng oxit nhôm từ 35-40%. Đây là cơ sở giúp Đắk Nông có khả năng phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến bô xít - alumin - nhôm, với quy mô lớn và hoạt động trong hàng trăm năm.
Đến nay, công tác tổ chức điều tra đánh giá tiềm năng và thăm dò, đánh giá trữ lượng quặng bô xít trên toàn bộ diện tích phân bố của tỉnh cơ bản được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện xong.
Theo đó, toàn tỉnh có 9 khu vực mỏ đã được tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng trên diện tích 1.605,1 km2. Tổng trữ lượng và tài nguyên xác định đã được thăm dò, đánh giá là 992,971 triệu tấn quặng tinh.
Những kết quả ban đầu mở ra cơ hội mở rộng quy mô hoạt động cho Nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắk R'lấp) |
Tạo nền móng vững chắc
Trong giai đoạn 2010-2020, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đưa vào hoạt động sản xuất Dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắk R’lấp).
Dự án do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư, với công suất thiết kế là 650.000 tấn alumin/năm. Đây là một trong hai dự án thí điểm trong ngành công nghiệp mới - công nghiệp khai thác, chế biến quặng bô xít, để sản xuất alumin tiến tới sản xuất nhôm.
Dự án có tổng mức đầu tư là 16.822 tỷ đồng. Sau 5 năm đi vào vận hành sản xuất thương mại, đến nay, hoạt động sản xuất của nhà máy tương đối ổn định và đạt được công suất thiết kế.
Sản phẩm đầu ra của Nhà máy chất lượng tốt, bảo đảm yêu cầu của khách hàng. Đến nay, Nhà máy alumin Nhân Cơ không chỉ làm chủ được công nghệ, mà còn chủ động nghiên cứu các giải pháp hợp lý hóa dây chuyền sản xuất.
Sản phẩm alumin do Công ty sản xuất ra chủ yếu được xuất khẩu đi các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Thụy Sĩ...
Đồ họa: Việt Dũng |
Việc đầu tư mở rộng, nâng công suất Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ đã được chủ đầu tư tính toán kỹ lưỡng. Trong đó, khi triển khai thiết kế cho dây chuyền 1, nhà máy đã được quy hoạch quỹ đất cho dây chuyền 2.
Tại nhà máy hiện đã đầu tư một số hạng mục dùng chung cho cả 2 dây chuyền như: cấp điện, cấp nước, xử lý môi trường...
Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông (Đắk R’lấp) của Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân được khởi công xây dựng từ tháng 2/2015 tại Khu công nghiệp Nhân Cơ, với tổng mức đầu tư là 15.480 tỷ đồng.
Công suất thiết kế của dự án là 450.000 tấn nhôm/năm và được chia thành 3 phân kỳ đầu tư. Nhà máy gồm 6 hạng mục chính, đó là: Khu văn phòng - Nhà ở, xưởng gia công thiết bị bể điện phân, xưởng điện phân nhôm, trạm biến áp 220kV, xưởng gắn cực dương và xưởng đúc.
Đến nay các hạng mục xây dựng của nhà máy cơ bản đã hoàn thành (khối lượng công việc đã thực hiện đạt khoảng 90%) và đang chờ lắp máy thiết bị, với tổng vốn đầu tư đã thực hiện đạt khoảng 2.400 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ bao tiêu toàn bộ sản lượng alumin của Nhà máy Alumin Nhân Cơ và một phần sản lượng của Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng).
Đặc biệt, nhà máy sẽ cho ra nguồn nguyên liệu nhôm thỏi và nhôm lỏng, rất thuận lợi cho các nhà đầu tư nghiên cứu, phát triển những dự án sản xuất các sản phẩm từ nhôm.
Theo kế hoạch của Tập đoàn, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tiến hành cường hóa, nâng công suất khai thác, sàng tuyển và sản xuất alumin đạt 750.000 - 800.000 tấn/năm cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Cùng thời điểm này sẽ triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng thêm dây chuyền sản xuất alumin thứ 2, đặt ngay trong Nhà máy hiện tại, với công suất 1,2 - 1,5 triệu tấn/năm. Đến năm 2030, Tập đoàn sẽ triển khai các bước, để chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy sản xuất alumin thứ 2. Nhà máy này có công suất từ 2 - 3 triệu tấn alumin/năm, vốn đầu tư dự kiến từ 2 - 3 tỷ USD. |
Thời cơ mở rộng các dự án
Để hiện thực mục tiêu xây dựng Đắk Nông trở thành Trung tâm Công nghiệp bôxít - nhôm quốc gia vào năm 2030, địa phương đang huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.
Trước tiên, tỉnh sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định sản xuất của dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho Dự án điện phân nhôm Đắk Nông.
Địa phương tiếp tục kiến nghị để Trung ương xem xét cho đầu tư xây dựng mới các nhà máy sản xuất alumin trên địa bàn tỉnh khi có Kết luận của Bộ Chính trị và quy hoạch được phê duyệt.
Theo ông Ngô Tố Ninh, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV, trong giai đoạn 2021-2025, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ thực hiện công tác thăm dò chi tiết cho phần diện tích khai thác năm 2025 - 2026; đồng thời, thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/1.000 khu vực mỏ bô xít Nhân Cơ.
Dự kiến trong năm 2021, sản lượng alumin đạt 720.000 tấn |
Như vậy, trong điều kiện thuận lợi, giai đoạn này, Nhà máy Alumin Nhân Cơ có thể sản xuất khoảng 2 triệu tấn alumin/năm, bảo đảm việc xuất bán ra thị trường nước ngoài và cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông (nếu nhà máy đi vào vận hành sản xuất theo đúng kế hoạch).
Đối với Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông, theo kế hoạch, trong năm 2021 sẽ hoàn thiện việc đầu tư nhà xưởng, đấu nối với hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Nhân Cơ; đồng thời, chuẩn bị bàn giao cho nhà thầu nước ngoài để triển khai công tác lắp đặt thiết bị.
Đến tháng 12/2022, dự án sẽ hoàn thành công tác lắp đặt và chạy thử dây chuyền giai đoạn 1, với công suất 150.000 tấn/năm. Tiếp đến tháng 1/2023, dự án đưa giai đoạn 1 của Nhà máy vào sản xuất, với công suất 150.000 tấn/năm và triển khai lắp đặt dây chuyền giai đoạn 2, với công suất tổng cộng 300.000 tấn/năm.
Đến tháng 1/2025, dự án sẽ đưa dây chuyền giai đoạn 3 vào sản xuất, với sản lượng nhôm từ năm 2025 đạt ổn định ở mức 450.000 tấn/năm.
Việc đầu tư xây dựng Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông đang khẳng định hướng đi đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Những kết quả đạt được đang từng bước ghi danh một ngành công nghiệp mới tại Đắk Nông trên bản đồ kinh tế Việt Nam và tiến tới hình thành Trung tâm công nghiệp Nhôm quốc gia trong thời gian không xa.