Đẩy lùi dịch bệnh, hỗ trợ người dân chăn nuôi an toàn
Kinh tế - Ngày đăng : 08:17, 05/11/2021
P.V: Thưa ông, năm 2021 ngành chăn nuôi của tỉnh tiếp tục chịu ảnh hưởng của các loại dịch bệnh nguy hiểm. Ông đánh giá như thế nào về tình hình chăn nuôi của người dân ?
Ông Lê Trọng Yên: Năm 2021, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong phát hiện, khống chế dịch bệnh trên động vật. Thế nhưng, người chăn nuôi vẫn chịu nhiều ảnh hưởng, thiệt hại do các loại dịch bệnh gây ra. Trong đó, dịch tả heo châu Phi gây ảnh hưởng lớn nhất.
Cụ thể, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 109 hộ ở 66 thôn thuộc 27 xã, thị trấn của 8/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tổng số heo mắc bệnh, phải tiêu hủy là 3.379 con, với tổng trọng lượng hơn 186.000 kg.
Bệnh viêm da nổi cục cũng đã xuất hiện trên đàn bò của tỉnh từ tháng 7/2021. Tổng cộng có 410 con bò của 217 hộ dân ở 7 huyện mắc bệnh, trong đó có 37 con phải tiêu hủy.
Ngoài ra, một số dịch bệnh khác như heo tai xanh, cúm gia cầm... cũng xuất hiện trên đàn heo, gà của nhiều hộ dân. Nói tóm lại, ngành chăn nuôi đã trải qua một năm đầy khó khăn vì dịch bệnh.
Ông Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông |
P.V: Dịch bệnh trên đàn vật nuôi đã dây dưa, kéo dài, nhất là đối với dịch tả heo châu Phi. Theo ông, nguyên nhân là do đâu ?
Ông Lê Trọng Yên: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, việc quản lý hoạt động tái đàn, tăng đàn vật nuôi còn hạn chế. Công tác giám sát, theo dõi, thống kê tổng đàn vật nuôi chưa được quan tâm, chưa thực hiện theo quy định của Luật Chăn nuôi và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành.
Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm để phòng ngừa, phát hiện dịch bệnh chưa hiệu quả. Khâu kiểm tra, xử lý các vi phạm về phòng, chống dịch bệnh trên động vật còn chưa nghiêm, nhất là các hành vi mua bán, giết mổ, tiêu thụ động vật mắc dịch bệnh.
Hiện nay bệnh dịch tả heo châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh, đường truyền lây bệnh phức tạp. Dụng cụ, vật dụng phục vụ chăn nuôi kém an toàn. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cũng gây khó khăn cho công tác kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh trên động vật.
Chăn nuôi theo quy mô nông hộ trên địa bàn tỉnh vẫn chiếm tỷ lệ cao. Do đó, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi còn hạn chế, dễ phát sinh dịch bệnh.
P.V:Theo nhận định của ngành chức năng, thời gian tới, nguy cơ tái phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn ở mức cao. Theo ông, các cấp, các ngành cần tập trung vào những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi ?
Ông Lê Trọng Yên: Tỉnh đang triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để khống chế các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đầu tiên là nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các sở, ngành liên quan; các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản cấp tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản cấp tỉnh cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương, lĩnh vực được giao.
Từ đó, kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống dịch bệnh và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh những biện pháp khắc phục, đồng thời nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh cho động vật.
Các lực lượng chuyên môn, ngành chức năng như Sở Nông nghiệp - PTNT, quản lý thị trường, công an... cần tăng cường thông tin, phối hợp để kiểm soát tốt hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm; kịp thời phát hiện những vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
P.V:Thưa ông, trước những đe dọa của dịch bệnh, tỉnh sẽ có những hoạt động nào để hỗ trợ, đồng hành với người chăn nuôi một cách kịp thời, hiệu quả trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022 ?
Ông Lê Trọng Yên: Hiện nay, ở các huyện, thành phố có nhiều thôn, bon, tổ dân phố đã qua 30 ngày không tái phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp - PTNT đẩy nhanh việc phối hợp với các địa phương thẩm định các điều kiện, làm cơ sở cho các địa phương công bố hết dịch.
Sở Nông nghiệp - PTNT chủ trì đề xuất cấp trên việc bố trí thêm nguồn vật tư, hóa chất phục vụ việc tiêu độc, khử trùng tại các địa phương, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học…
Đặc biệt, các ngành, địa phương sẽ tích cực triển khai các biện pháp về kiểm soát nguồn giống đạt chất lượng, tăng tỷ lệ tiêm vắc xin; thực hiện các bước thống kê thiệt hại, hỗ trợ kinh phí kịp thời hơn cho các hộ dân có vật nuôi bị tiêu hủy do dịch bệnh.
Việc khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ dân có vay vốn ngân hàng phục vụ chăn nuôi cũng sẽ được UBND tỉnh quan tâm. Tỉnh quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm an toàn cho ngành chăn nuôi phát triển.
P.V:Trân trọng cảm ơn ông!