Vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 08:50, 19/11/2021
P.V:Thưa ông, thời gian qua, ngành Tư pháp đã có những hỗ trợ gì đối với các doanh nghiệp, nhất là về các lĩnh vực liên quan đến pháp luật ?
Ông Nguyễn Trung Hiếu: Việc hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh của ngành Tư pháp chủ yếu thông qua hoạt động pháp lý. Ngành Tư pháp đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành và triển khai các văn bản liên quan đến hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp về pháp luật được thực hiện thông qua việc đa dạng hóa, linh động ở các kênh như Bản tin Tư pháp, Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh (http://pbgdpl.daknong.gov.vn/), Fanpage Phổ biến Pháp luật tỉnh Đắk Nông...
Đặc biệt, Sở Tư pháp xây dựng chuyên mục riêng về “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” tại Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh để kịp thời cập nhật các thông tin pháp luật mới, phân tích, đánh giá các quy định pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp.
Ngoài ra, Sở Tư pháp tiếp nhận thắc mắc của doanh nghiệp, người dân thông qua địa chỉ mail bantintuphapdaknong@yahoo.com, banbientap.pbgdpl@gmail.com và thực hiện hỗ trợ, tư vấn cụ thể.
Đồ họa: B.M |
P.V: Theo ông, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện đầu tư làm ăn còn gặp những khó khăn nào về khâu thủ tục hành chính ?
Ông Nguyễn Trung Hiếu: Thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, có 2 nội dung liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cần quan tâm khắc phục.
Một là, theo đánh giá của doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Đội ngũ tham mưu công tác liên quan đến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các sở, ban, ngành còn mỏng, thiếu kinh nghiệm và phần lớn là kiêm nhiệm. Do đó, việc dành thời gian để tham mưu triển khai các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp chưa nhiều, chưa hiệu quả.
Hai là, về công tác cải cách hành chính trong đầu tư, kinh doanh. Dù đã được các cơ quan chuyên môn thường xuyên tham mưu rà soát, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, cắt giảm, bãi bỏ... nhưng một số thủ tục vẫn còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp, chỉ có 103 dịch vụ, chiếm 16,6%. Có những dịch vụ đã được cung cấp trong thời gian dài, nhưng chưa được doanh nghiệp, người dân tiếp cận, sử dụng.
P.V: Theo ông, cần có những giải pháp nào để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp ở các khâu thủ tục hành chính ?
Ông Nguyễn Trung Hiếu: Theo tôi, trước hết phải xây dựng và triển khai thực chất, hiệu quả các chương trình kế hoạch hành động cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương, đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn qua các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
Thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tỉnh ta sớm hoàn thành việc xây dựng chính quyền điện tử hướng tới số hóa chính quyền theo mục tiêu mà Chính phủ đặt ra tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, tỉnh cần tạo lập và kết nối liên thông cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan quản lý Nhà nước. Chúng ta cần hướng tới việc không yêu cầu doanh nghiệp, nhà đầu tư phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thủ tục hành chính.
Tỉnh và các sở, ngành liên quan cần phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức thực hiện thường xuyên, thực chất các cuộc đối thoại với doanh nghiệp.
P.V: Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!