Hướng tới chuyển đổi cây trồng hiệu quả
Kinh tế - Ngày đăng : 06:29, 13/12/2021
Theo Chi cục Nông nghiệp tỉnh, trong năm 2021, toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi gần 270 ha cây trồng trên đất lúa. Tùy thuộc vào điều kiện sản xuất của mỗi vùng, các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng phù hợp, hiệu quả hơn.
Hiệu quả thấy rõ
Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông Trần Văn Nam, ở thôn Xuyên Tân, xã Đức Xuyên (Krông Nô), chuyển đổi trồng gần 3 sào bí đỏ trên diện tích đất trồng lúa. Ông Nam cho biết: “Gia đình tôi canh tác mỗi năm một vụ lúa hoặc ngô và 1 vụ bí đỏ, thu nhập vẫn ổn định hơn trồng 2 vụ lúa. Việc chuyển sang loại cây trồng có nhu cầu nước ít hơn sẽ an toàn hơn trong sản xuất”.
Tại các xã Nâm N’đir, Đức Xuyên, Buôn Choáh, nhiều hộ nông dân nhờ chuyển đổi cây trồng hợp lý, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, nên đạt được lợi nhuận cao. Theo tính toán của bà con nông dân, đối với những diện tích được chuyển đổi sang trồng những loại cây có thị trường ổn định, lợi nhuận tăng lên gấp nhiều lần.
Nông dân xã Đắk Lao (Đắk Mil) chăm sóc ngô vụ hè thu vừa qua |
Đơn cử như trồng ớt, nếu giá ớt trên 15.000 đồng/kg, nông dân có thu nhập khoảng từ 150 - 170 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 4 - 5 lần so với trồng lúa. Còn diện tích được chuyển đổi sang trồng ngô, khoai lang, rau xanh, đậu…, lợi nhuận cũng cao hơn so với chuyên canh lúa gấp 2 lần.
Do đó, trong vụ đông xuân này, các địa phương tiếp tục rà soát những diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả, xa công trình thủy lợi để khuyến khích người dân chuyển sang cây trồng phù hợp.
Những khó khăn cần khắc phục
Việc chuyển đổi cây trồng trong vụ đông xuân những năm qua đã đạt được những kết quả thiết thực. Đó là giúp người dân hạn chế bỏ hoang đất ruộng, tránh thiệt hại do hạn hán gây ra, giúp ổn định thu nhập.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, tại một số xã, nguồn nước tưới tiêu quanh năm luôn dồi dào. Nhưng khi đưa các giống đậu vào gieo trồng thì thất bại. Nguyên nhân do chưa được xây dựng mô hình khảo nghiệm, đánh giá khả năng thích ứng khi sản xuất nghịch mùa…
Bên cạnh đó, nhiều người dân chuyển đổi cây trồng theo kiểu phong trào, nên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất, quy hoạch cây trồng của địa phương.
Một trở ngại khác, do đất sản xuất của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung, gây khó khăn trong việc quy hoạch phát triển, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tạo vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm sản xuất ra chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững. Do đó, ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch chuyển đổi cây trồng
Theo lãnh đạo Sở NN - PTNT, thực tế tồn tại một số khó khăn trong chuyển đổi cây trồng sẽ được ngành Nông nghiệp, các địa phương đánh giá kỹ càng hơn để khắc phục. Mục tiêu là phải đạt được sự ổn định trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.