Cách chăm sóc sầu riêng cho năng suất cao

Kinh tế - Ngày đăng : 08:47, 16/12/2021

Bắt đầu từ tháng 12 hằng năm, các nhà vườn đều tiến hành chăm sóc đặc biệt cho vườn sầu riêng. Đây là giai đoạn sầu riêng phân hóa mầm hoa (còn gọi là làm bông), quyết định năng suất, chất lượng của cả vụ mùa.

Gia đình ông Nguyễn Chiến Thắng, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp), có gần 2 ha sầu riêng. Cứ vào thời điểm đầu tháng 12 hằng năm, ông lại tất bật cho việc chăm sóc vườn sầu riêng.

Theo ông Thắng, giai đoạn sầu riêng phân hóa mầm hoa, trên địa bàn thường có những đợt mưa cuối vụ. Do đó, ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình ra hoa, đậu quả của cây.

Đối với tình huống này, nhà vườn phải hãm cơi đọt, tạo khô hạn ít nhất từ 10 – 15 ngày để sầu riêng phân hóa mầm hoa. Đây là khâu kỹ thuật cần thiết, tuyệt đối không được bỏ qua.

Ông Nguyễn Chiến Thắng ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) phun phân bón lá cho sầu riêng phân hóa mầm hoa

Cũng theo ông Thắng, để sầu riêng ra hoa khỏe, đồng loạt còn phụ thuộc bí quyết của mỗi nhà vườn. Tuy nhiên, về cơ bản, các chủ vườn phải chủ động các khâu như: bón phân, phòng bệnh, tưới nước chủ động… sao cho hợp lý và đúng thời điểm.

Còn theo ông Ngô Quang, thôn Tân Phú, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa), hiện nay, nhiều chủ vườn sầu riêng chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho vườn cây. Do đó, các vườn sầu riêng dễ nhiễm bệnh, năng suất thấp.

Muốn sầu riêng đạt năng suất, theo ông Quang ngay sau khi thu hoạch, bà con cần có chế độ chăm sóc đặc biệt để cây lấy lại sức. Tùy theo loại đất để bón phân phù hợp, bà con cần ưu tiên phân hữu cơ, hạn chế phân hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ…

Trong giai đoạn sầu riêng ra lá, làm hoa, cây rất cần các nguyên tố trung lượng, vi lượng để hình thành hạt phấn, sức sống của hạt phấn và tạo độ dai chắc cho cuống hoa. Do đó, bà con nên sử dụng phân bón qua lá để cung cấp dinh dưỡng cho cây.

Kiểm tra dấu hiệu phân hóa mầm hoa giai đoạn đầu (mắt ngủ) để có biện pháp chăm sóc

Bà con không nên sử dụng phân bón gốc, vì rất dễ làm cho cây ra lá. Nếu cây ra lá sẽ làm hoa nhỏ lại, cuống hoa dài, yếu ớt, ảnh hưởng đến việc đậu và nuôi trái, mất năng suất.

Khi nụ hình thành rõ, bà con có thể sử dụng phân bón lá NPK 12-32-14+TE, Fetrilion Combi hay Botrac để phun định kỳ từ 7 – 10 ngày/lần cho đến khi quả được 60 ngày tuổi.

Nhiều nhà vườn cho biết, khi hoa chuẩn bị nở thì phun phối hợp thuốc Agri – Fos 400 để hạt phấn hoa khỏe, giúp đậu quả tốt và kháng bệnh xì mủ thân. Nồng độ phun là 0,5%, tương ứng 0,5 lít/100 lít nước, kết hợp với một ít thuốc trừ sâu để phòng sâu tấn công hoa.

Từ giai đoạn này đến khi cây cho thu hoạch, bà con cần tuân thủ bón phân đúng quy trình, hợp lý theo khuyến cáo để vườn sầu riêng đạt năng suất, chất lượng như mong muốn.

Theo Sở NN - PTNT, toàn tỉnh có hơn 2.800 ha sầu riêng, sản lượng ước đạt 12.900 tấn/năm. Trồng sầu riêng đã mang lại hiệu quả khá cao. Một cây sầu riêng nếu chăm sóc đúng quy trình sẽ cho năng suất đạt 1 tạ quả/vụ. Với giá bán 30.000 đồng/kg, người trồng sầu riêng sẽ có thu nhập 3 triệu đồng/cây.

Văn Tâm