Hồ tiêu rộng đường xuất khẩu nhờ chỉ dẫn địa lý "Đắk Nông"
Kinh tế - Ngày đăng : 09:08, 28/12/2021
Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Đắk Nông” cho sản phẩm hạt tiêu của tỉnh Đắk Nông. Chỉ dẫn địa lý dùng để chỉ dẫn cho các sản phẩm tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu trắng và được bảo hộ trên toàn tỉnh Đắk Nông.
Theo lãnh đạo Sở NN - PTNT, Chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa đặc biệt với ngành hồ tiêu tỉnh Đắk Nông. Bởi vì, Đắk Nông đang là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất nước, với trên 33.000 ha, sản lượng trên 60.000 tấn/năm.
Chỉ dẫn địa lý cũng thể hiện sản xuất hồ tiêu ở Đắk Nông đã có những thay đổi lớn, hướng tới chuyên nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Không chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã, nhiều bà con nông dân cũng mạnh dạn sản xuất hồ tiêu theo hướng quy mô, hiện đại.
Cách đây 4 năm, ông Vũ Thanh Hoài, ở xã Thuận Hà (Đắk Song), bắt đầu phát triển hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Từ đó đến nay, gần 10 ha hồ tiêu của ông Hoài vẫn xanh tốt, hầu như không bị tác động bởi dịch bệnh.
Thành công nhất của ông Hoài là vườn hồ tiêu vẫn đạt năng suất cao, bình quân 5,5 tấn/ha. Sản phẩm tiêu sạch của ông cũng luôn bán được giá cao hơn tiêu thông thường từ 25-50%.
Nhiều hộ dân đang sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ để hướng tới xuất khẩu. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021) |
Theo ông Hoài, vườn hồ tiêu của gia đình hoàn toàn phát triển một cách tự nhiên, không bị thúc ép về năng suất, sản lượng. Mục tiêu của gia đình ông là sản xuất tiêu hữu cơ, hướng đến xuất khẩu vào các thị trường như: Mỹ, Nhật, EU…
Hiện nay, gia đình ông đang bán hồ tiêu hữu cơ với giá hơn 120.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường khoảng 40.000 đồng/kg. Đặc biệt, vườn của ông Hoài là một trong những vườn được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa chỉ “Đắk Nông” cho sản phẩm hạt tiêu của tỉnh Đắk Nông.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Hồng Hà, ở xã Nam Bình (Đắk Song), đã có lúc điêu đứng vì giá hồ tiêu xuống thấp. Vườn hồ tiêu của ông thường xuyên đối mặt với bệnh chết nhanh, chết chậm, khiến nguồn thu nhập của gia đình hết sức bấp bênh.
Trước thực tế đó, ông Hà đã thay đổi cách sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ. Điều này đã trả lại hệ sinh thái tự nhiên cho đất, môi trường, nguồn nước và vườn tiêu bắt đầu hồi phục tốt.
Hiện nay, vườn hồ tiêu của ông không những đạt năng suất cao, mà sản phẩm còn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, đủ điều kiện xuất khẩu vào Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Do đó, với 3,2 ha hồ tiêu, mỗi năm gia đình ông Hà thu về hơn 10 tấn hạt. Ông cũng bán được với giá cao hơn thị trường chừng 25%. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông có lợi nhuận trên 600 triệu đồng/vụ. Gia đình ông đang phấn đấu để đưa vườn hồ tiêu lọt vào vùng được chứng nhận chỉ dẫn địa lý "Đắk Nông".
Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, những năm gần đây, người dân đã thay đổi phương thức sản xuất hồ tiêu để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều vườn tiêu được công nhận đạt chuẩn hữu cơ của các đơn vị độc lập. Phong trào sản xuất sạch, tạo ra sản phẩm an toàn ngày càng được nhân rộng.
Nếu như vào thời điểm năm 2015, toàn tỉnh chỉ có ít hộ trồng tiêu hữu cơ thì đến nay, đã có khoảng 70 hộ, với tổng diện tích 237,7 ha. Đây là một bước tiến lớn đối với sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh.