Cây ăn quả và yêu cầu phát triển bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 09:04, 30/12/2021
Những năm qua, việc đầu tư phát triển cây ăn quả đã góp phần giúp người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Mặc dù vậy, việc người dân tự phát mở rộng diện tích cây ăn quả cũng mang lại không ít hệ lụy.
Theo Sở NN - PTNT, để phát triển bền vững, tỉnh đã tiến hành quy hoạch các tiểu vùng trồng cây ăn quả. Nhiều địa phương đã xây dựng đề án, lộ trình phát triển cây ăn quả theo hình thức trang trại, tập trung để tạo vùng nguyên liệu lớn.
Các huyện, thành phố đều lựa chọn những cây ăn quả phù hợp để phát triển. Nhiều loại cây ăn quả đã giúp nông dân đa dạng hóa sản phẩm, phá vỡ thế độc canh của cây nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, hiện nay, vùng nguyên liệu cây ăn quả phục vụ cho chế biến, xuất khẩu còn nhỏ lẻ. Chất lượng trái cây chưa đồng đều, số lượng sản phẩm; diện tích được cấp mã vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP còn ít.
Khâu thu hoạch, bảo quản, sơ chế, nhãn mác, phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu đối với sản phẩm trái cây vẫn còn hạn chế. Hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật thiết yếu phục vụ sản xuất cây ăn quả còn nhiều bất cập.
Mối liên kết trong chuỗi phát triển sản xuất cây ăn quả còn hạn chế, thiếu kế hoạch, dẫn đến trong cùng một thời điểm có những loại sản phẩm trái cây bị dư thừa, mất giá.
Hiện nay, sản phẩm trái cây chủ yếu tiêu thụ thị trường nội tỉnh và một số tỉnh khác, số lượng xuất khẩu còn ít. Trái cây là sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn, thu hoạch tập trung theo mùa vụ. Trong khi các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chưa rõ ràng, bền vững. Vì thế, người dân luôn đối mặt với nỗi lo đầu ra khi đến mùa thu hoạch cây ăn quả.
Nông dân vẫn luôn đối mặt với nỗi lo đầu ra cho sản phẩm cây ăn quả |
Cũng theo bà Tình, để tìm giải pháp phát triển bền vững, Đắk Nông cần tiếp tục rà soát tình hình sản xuất các đối tượng cây ăn quả trên địa bàn. Trong đó, trọng tâm là xác định các loại cây ăn quả chủ lực, có lợi thế để phát triển phù hợp với đất đai, điều kiện sinh thái.
Bên cạnh áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới, cây ăn quả phải được chăm sóc theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… Các địa phương trong tỉnh cần phối hợp liên kết liên vùng nguyên liệu, tạo ra sản phẩm trái cây chất lượng đồng đều.
Người dân cần chú trọng xây dựng thương hiệu, mã số vùng trồng, có truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm trái cây. Khâu liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp cũng cần đượng tăng cường thêm.
Tỉnh khuyến khích các hình thức sản xuất cây ăn quả qua hợp đồng, tăng tính ràng buộc về trách nhiệm, lợi ích của cá nhân, tổ chức khi tham gia chuỗi sản xuất.
Việc thành lập nhóm, hợp tác xã, hiệp hội, câu lạc bộ những người trồng cây ăn quả gắn với thị trường tiêu thụ theo địa chỉ cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa...