Một số cảnh báo rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước

Kinh tế - Ngày đăng : 15:03, 30/12/2021

Trong những năm qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đắk Nông đã triển khai các nội dung cảnh báo rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ nhằm nâng cao nhận thức và phòng ngừa nguy cơ có thể xảy ra mất tiền, tài sản của Nhà nước do đơn vị quản lý.

Một số loại rủi ro thường gặp

Rủi ro trong công tác nộp tiền vào ngân sách Nhà nước

Có thể xảy ra tình trạng người đại diện hoặc được ủy quyền chiếm dụng, không nộp kịp thời, đầy đủ khoản thu ngân sách vào KBNN hoặc cố tình làm sai lệnh thông tin của người dân nộp tiền trên bảng kê và chứng từ ủy nhiệm chi gửi đến KBNN đã thực nộp vào KBNN qua ngân hàng thương mại để chiếm đoạt tiền.

Rủi ro liên quan đến công tác đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN

Hồ sơ đăng ký và sử dụng tài khoản gửi đến KBNN không đúng mẫu quy định, chưa thực hiện lập bảng kê đăng ký sử dụng tài khoản chi tiết theo mẫu quy định, bảng kê đăng ký sử dụng tài khoản chi tiết kèm giấy bổ sung tài khoản dự toán nhưng lại sử dụng mẫu bảng kê cho tài khoản tiền gửi.

Hồ sơ đăng ký và sử dụng tài khoản chưa hợp pháp, hợp lệ như: hồ sơ, tài liệu đóng dấu sao y bản chính không đúng thẩm quyền, bản phô tô; đơn vị đã đổi tên nhưng vẫn sử dụng quyết định thành lập cũ gửi đến KBNN để làm thủ tục đăng ký tài khoản; quyết định bổ nhiệm chủ tài khoản, kế toán trưởng hết hiệu lực, thay đổi tên, mẫu dấu nhưng không làm thủ tục thay đổi theo quy định, không gửi giấy chứng nhận mã đơn vị có quan hệ với ngân sách theo tên mới đến KBNN; chữ ký thứ nhất và chữ ký thứ 2 của chủ tài khoản, kế toán trưởng không giống nhau, ghi sai thông tin trên giấy đề nghị đăng ký thay đổi mẫu dấu, chữ ký...nhưng đơn vị vẫn gửi hồ sơ đến KBNN Đắk Nông để làm thủ tục đăng ký mở và sử dụng tài khoản.

Rủi ro từ công nghệ thông tin

Chủ tài khoản giao hoặc để lộ mã pin, chứng thư số, chữ ký số cho kế toán trưởng hoặc là người đại diện ký giao dịch thanh toán trong hoạt động tài chính, không chấp hành đúng quy định pháp luật trong việc quản lý chứng thư số, chữ ký số và tài khoản chương trình.

Hoạt động giao dịch tại bộ phận một cửa Kho bạc Nhà nước Đắk Nông

Rủi ro khác

Trong quá trình giao dịch, KBNN Đắk Nông đã phát hiện ra một số tồn tại và đã trả lại hồ sơ đề nghị các đơn vị giao dịch hoàn thiện, bổ sung trước khi thanh toán như sau:

Chứng từ rút tiền chi hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên không tương ứng với số lượng người được hưởng trong quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền hoặc vượt dự toán chi tiết.

Nội dung ghi trên giấy rút dự toán không khớp với chứng từ thanh toán; bảng kê chứng từ thanh toán không khớp với thực tế thanh toán trên hóa đơn tại đơn vị; bảng kê chứng từ thanh toán không ghi rõ số hóa đơn, ngày tháng, đơn vị cung cấp, không ghi rõ định mức theo quy định của cơ quan nhà nước. Thời gian thanh toán tạm ứng chậm so với quy định tại Thông tư số 62/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Về hợp đồng xây dựng: Không ghi rõ thời gian thực hiện, loại hợp đồng, hợp đồng trọn gói nhưng có nội dung cho phép điều chỉnh về giá; thiếu quy định mức bảo lãnh bảo hành; thời gian thực hiện hợp đồng bị kéo dài nhưng không ký bổ sung phụ lục gia hạn.

Hồ sơ pháp lý không đầy đủ như thiếu quyết định phê duyệt dự toán (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật); hồ sơ không logic về mặt thời gian; quyết định phê duyệt dự án đầu tư của cấp có thẩm quyền không quy định hình thức quản lý dự án; hồ sơ thanh toán thiếu bản xác định giá trị khối lượng hoàn thành theo hợp đồng; tạm ứng trong khi hồ sơ có điều kiện thanh toán; thực hiện tạm ứng ngoài thời gian hợp đồng hoặc thanh toán khối lượng hoàn thành trên 80 % nhưng chưa thu hồi hết số đã tạm ứng.

Những nội dung cần lưu ý

Nhằm ngăn chặn nguy cơ rủi ro trong hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, các chủ thể liên quan cần lưu ý một số nội dung sau:

Một là, thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách/chủ đầu tư phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước đã ban hành theo Thông tư số 87/2021/TT-BTC ngày 8/10/2021 của Bộ Tài chính. Đồng thời, phải thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình chi tiêu của đơn vị mình để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hiện tượng tiêu cực, tránh sai phạm và lãng phí có thể xảy ra trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước.

Hai là, tuyệt đối không giao, không để lộ mã pin, chứng thư số, mật khẩu tài khoản đăng nhập chương trình dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước cho người khác; quản lý chặt chẽ thông tin về email nhận thông báo từ hệ thống.

Ba là, thường xuyên phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định, quy trình, thủ tục trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước; thực hiện đối chiếu số liệu với KBNN bảo đảm chính xác, kịp thời và đầy đủ.

Tất cả các đơn vị giao dịch cần thực hiện cài đặt đầy đủ và sử dụng thường xuyên chương trình cảnh báo rủi ro của KBNN trên thiết bị di động nhằm giám sát sự biến động tài khoản, hoặc phát hiện các khoản chi ngân sách Nhà nước bất thường của đơn vị để có thể thông báo cho cơ quan KBNN, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước.

Hồ Văn Hai