Huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân

Kinh tế - Ngày đăng : 08:36, 05/01/2022

Năm 2021, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đa dạng hóa các chương trình gửi tiết kiệm, dịch vụ tiện ích. Nhờ đó, việc huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư đã tăng mạnh, đáp ứng cho vay phục vụ phát triển kinh tế.

Vượt xa kế hoạch

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các tổ chức tín dụng không ngừng nỗ lực đẩy mạnh huy động vốn. Cùng với các chương trình, chính sách ưu đãi được triển khai, nhiều đơn vị tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi trong dân để đẩy mạnh huy động.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2021, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 13.262 tỷ đồng, tăng 2.940 tỷ đồng, tương đương 28,48% so với thời điểm đầu năm 2021.

Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Đắk Nông, từ đầu năm, đơn vị triển khai nhiều chương trình, thu hút khách hàng tham gia gửi tiết kiệm. Đơn cử như chương trình “Tiết kiệm thỏa thích, rinh quà tiện ích”; “Gửi tiền online, ngập tràn ưu đãi”…

Theo ông Phạm Quốc Việt, Phó Giám đốc Chi nhánh BIDV Đắk Nông, đơn vị luôn đa dạng các phương thức huy động vốn. Tùy từng giai đoạn, thời điểm, đơn vị có những chương trình phù hợp với lãi suất diễn biến thị trường. Ngân hàng còn đưa ra nhiều sản phẩm huy động phù hợp với đối tượng khách hàng tiền gửi. Hết năm 2021, huy động vốn tại đơn vị được 2.158 tỷ đồng.

“Dịch bệnh phức tạp, hoạt động buôn bán kinh doanh gặp khó. Người dân chưa biết đầu tư vào đâu để sinh lợi nhuận, nên nguồn tiền gửi tăng cao. Chúng tôi triển khai nhiều chương trình huy động phù hợp để mọi khách hàng hướng đến”, ông Việt cho biết.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh BIDV Đắk  Nông

Tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HD Bank) Chi nhánh Đắk Nông, nhiều chương trình tiết kiệm tiền gửi cũng được đơn vị thực hiện. Ngay từ đầu năm, đơn vị áp dụng chương trình quay số trúng thưởng dành cho khách hàng gửi tiền trực tuyến.

Mức lãi suất cao nhất đang được ngân hàng áp dụng là 6,15%/năm với kỳ hạn 36 tháng; 6,05%/năm với kỳ hạn 24 tháng. Khi khách hàng tham gia gửi tiền tiết kiệm, ngân hàng sẽ được cấp mã số dự thưởng tham gia quay số cuối kỳ để có cơ hội trúng các giải thưởng giá trị lớn.

Nâng cao sản phẩm tiện ích

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, cùng với đa dạng hóa phương thức huy động vốn, các ngân hàng còn chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ các tiện ích, mở rộng mạng lưới hoạt động, nhằm thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư.

Việc phát triển các dịch vụ tiện ích số mới trên các nền tảng điện thoại di động thông minh, website…, tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận dịch vụ cũng được các tổ chức tín dụng đẩy mạnh.

Tại Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT Chi nhánh Đắk Nông, nhiều dịch vụ tiện ích được đơn vị triển khai đến người dân và doanh nghiệp. Chi nhánh tập trung phát triển nhiều kênh phân phối trên nền tảng công nghệ thông tin như: ECD/POS, Internet Banking, E-Mobile banking…

Đơn vị đã phát triển ứng dụng hệ thống ngân hàng tự động. Với dịch vụ này, khách hàng có thể sử dụng hầu hết các dịch vụ thanh toán như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nộp ngân sách Nhà nước, sao kê dư nợ thẻ tín dụng, đăng ký SMS Banking… Khách hàng cũng có thể mở tài khoản tiền gửi và gửi tiền mặt trực tuyến.

Theo ông Nguyễn Hồ Hữu, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong năm 2022, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Trong đó, các đơn vị tập trung vận động người dân, doanh nghiệp gửi tiền theo trung và dài hạn, nhằm sẵn sàng đáp ứng nguồn vốn cho vay khi khách hàng trên địa bàn có nhu cầu vay vốn.

Các chương trình huy động vốn cũng được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú tuỳ vào từng thời điểm, đối tượng khách hàng. Các tổ chức tín dụng có chính sách chăm sóc đặc biệt đối với những khách hàng có số dư tiền gửi lớn, khách hàng tiềm năng.

Việc điều chỉnh về kỳ hạn tiền gửi, hình thức trả lãi, mức lãi suất… sẽ được các đơn vị thực hiện linh hoạt, nhằm khai thác tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn của nền kinh tế.

Nguyễn Lương