Hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh

Kinh tế - Ngày đăng : 09:04, 07/01/2022

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Ngân hàng triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2022, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách tính dụng, giảm lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân doanh nghiệp. Với chủ trương này của Chính phủ, các doanh nghiệp thêm hi vọng về nhiều chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.

Tập trung lĩnh vực ưu tiên

Thời gian qua, nhất là thời điểm cuối năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngành ngân hàng trên địa bàn Đắk Nông thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Nhiều chính sách, chương trình ưu đãi trong huy động vốn, cho vay được các tổ chức tín dụng triển khai. Việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được toàn ngành vào cuộc kịp thời. Từ miễn, giảm lãi suất, đến cơ cấu nợ, gia hạn nợ cho khách hàng vay được các ngân hàng thực hiện khá mạnh mẽ.

Đến đầu tháng 1/2022, dư nợ của toàn ngành ngân hàng đối với nền kinh tế trên địa bàn Đắk Nông là gần 34.000 tỷ đồng. Hầu hết, dư nợ tại các tổ chức tín dụng được áp dụng mức lãi suất từ 7%-11%/năm, với khoảng trên 25.000 tỷ đồng.

Riêng đối với lĩnh vực ưu tiên, với lãi suất dưới 4,5%/năm chiếm dư nợ gần 1.500 tỷ đồng. Mức lãi suất từ 4,5%-7%/năm được áp dụng cho nguồn dư nợ gần 5.000 tỷ đồng.

Tùy khách hàng, lĩnh vực vay vốn, các ngân hàng thương mại sẽ điều chỉnh mức lãi suất vay phù hợp theo quy định trong năm 2022. Ảnh tư liệu

Theo ông Nguyễn Hồ Hữu, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, việc áp dụng lãi suất được các ngân hàng thực hiện khá linh hoạt. Tùy khách hàng, lĩnh vực vay vốn, các đơn vị sẽ điều chỉnh phù hợp theo quy định. Trong đó, lĩnh vực ưu tiên vẫn được hưởng mức lãi suất khá ưu đãi.

“Toàn ngành vẫn ưu tiên trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các chương trình cho vay tái canh cà phê, cho vay doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… luôn nhận được ưu đãi về lãi suất”, ông Hữu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hữu, ngoài giảm lãi suất, các ngân hàng thương mại từng bước đơn giản hóa thủ tục cho vay. Thông qua việc mở rộng mạng lưới, đa dạng sản phẩm dịch vụ, người dân, doanh nghiệp được tạo thuận lợi trong quá trình giao dịch, vay vốn tại ngân hàng.

“Thời gian tới đây, dựa trên chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng linh hoạt trong thực hiện lãi suất. Trên cơ sở lãi suất trần quy định, ngành Ngân hàng tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục vay vốn, phục hồi sản xuất, kinh doanh”, ông Hữu khẳng định.

Hoạt  động  sản  xuất  tại  Công  ty  Cổ  phần  Kỹ  nghệ  gỗ  MDF  Bisson (Khu  Công nghiệp Tâm Thắng)

Kỳ vọng vào nhiều chính sách mới

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua, nhiều chuỗi sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng. Do vậy rất cần sự tiếp sức từ các chính sách của Nhà nước để doanh nghiệp phục hồi trở lại.

Theo ông Nguyễn Mạnh Vinh, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Lộc Tài (Cư Jút), ngoài chính sách miễn, giảm thuế như hiện hành, giải pháp về hỗ trợ nguồn vốn rất cần thiết cho doanh nghiệp lúc này. Sau thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh, nguồn lực của nhiều doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, thậm chí cạn kiệt.

“Các ngân hàng cần nới “zoom” tín dụng, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp là thiết thực nhất. Đây không chỉ là giải pháp giúp doanh nghiệp đủ nguồn lực khôi phục hoạt động, mà còn tạo ra nhiều sản phẩm kích cầu tiêu dùng trong nền kinh tế”, ông Vinh kỳ vọng.

Ông Ngô Tùng Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông cho rằng, để tồn tại trong đại dịch, doanh nghiệp buộc phải tìm cách khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất.

Một số đơn vị phải tạm ngưng hoạt động. Nhiều trường hợp khác hoạt động với công suất chỉ bằng 30% - 40% trước đây. Doanh thu của các doanh nghiệp vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Đây là giai đoạn nhiều doanh nghiệp phục hồi để sản xuất, kinh doanh. Quá trình này cần rất nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: chính sách thuế, các gói tín dụng từ ngân hàng. Các sự hỗ trợ triển khai kịp thời sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất”, ông Lâm cho biết.

Nguyễn Lương