Để nông dân không còn "chạy" theo cây trồng
Kinh tế - Ngày đăng : 09:09, 10/01/2022
Nhiều năm qua, Đắk Nông thường xuất hiện những đợt tăng "nóng" diện tích các loại cây trồng như: cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, bơ, sầu riêng… Phần lớn nguyên nhân là do người dân chạy theo giá cả, phát triển cây trồng tự phát, không tuân thủ quy hoạch.
Đơn cử như vào năm 2016, khi giá hồ tiêu tăng đến mức 220.000 đồng/kg, nông dân đã đổ xô phát triển loại cây trồng này. Nếu năm 2014, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh mới khoảng 13.000 ha, thì đến năm 2016 đã tăng lên 27.000 ha, vượt gấp 3 lần so với quy hoạch của tỉnh.
Chỉ trong năm 2016, các hộ nông dân đã trồng 11.200 ha. Khi đó, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, bà con nông dân vẫn không ngừng phát triển hồ tiêu. Vì lợi nhuận trước mắt, nhiều bà con bất chấp những an toàn về nguồn giống, đất đai, quy trình chăm sóc... trong sản xuất hồ tiêu.
Hậu quả, từ năm 2018, giá hồ tiêu bắt đầu trượt dốc, có thời điểm giảm xuống còn khoảng 35.000 đồng/kg. Cùng với đó, tình trạng tiêu chết vì nhiễm bệnh diễn ra tràn lan. Ngành hồ tiêu trở nên mất kiểm soát, khiến cho nhiều nông dân mất trắng vốn đầu tư, lâm vào cảnh nợ nần.
Hay như phong trào trồng bơ những năm gần đây cũng khiến cho nhiều nông hộ có thời điểm bị thua lỗ nặng. Theo Sở NN – PTNT, nếu như năm 2016, diện tích bơ của tỉnh là 827 ha thì đến năm 2020 đã tăng lên 2.427 ha, tức là tăng gấp 3 lần.
Cây bơ được nông dân thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) chuyển đổi trên đất trồng cây cà phê |
Thời điểm đó, bơ Booth tại vườn được mua với giá trên 60.000 đồng/kg, các loại bơ khác cũng có giá cao ngất ngưởng. Do đó, người dân ồ ạt trồng bơ, bất chấp ngành chức năng đưa ra nhiều khuyến cáo.
Thế nhưng, sau đó 1 năm, các loại bơ đều rớt giá thê thảm, khiến người trồng bơ bắt đầu hụt hẫng. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thị trường bơ trở nên ế ẩm, có thời điểm không tiêu thụ được. Ở một số địa bàn, người dân đã bắt đầu chặt bỏ cây bơ để chuyển sang trồng cây khác...
Theo Tiến sĩ Trần Vinh, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, việc tự phát tăng diện tích một số loại cây trồng là hiện tượng phổ biến ở Tây Nguyên nhiều năm qua.
Hiện tượng này sẽ dẫn đến vỡ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nông dân. Đây cũng là "bài toán khó" đối với mỗi nông hộ cũng như của ngành Nông nghiệp các tỉnh.
Cũng theo Tiến sĩ Trần Vinh, để có một nền sản xuất nông nghiệp ổn định, nông dân không phải chạy theo phong trào, tự phát mở rộng diện tích cây trồng, trước hết cần có sự liên kết chặt chẽ giữa khâu sản xuất và phân phối sản phẩm.
Hay nói cách khác, việc sản xuất các loại cây trồng đều phải được liên kết để tạo vùng nguyên liệu, bảo đảm chất lượng, có bao tiêu sản phẩm. Các nông hộ cần tích cực tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác.
Cùng với đó, nông dân cũng cần thay đổi tập quán sản xuất, bỏ thói quen chạy theo phong trào. Ngành Nông nghiệp cũng cần chuyên môn hóa các khâu trong chuỗi sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, đáp ứng được thị trường trong nước và xuất khẩu....