Lợi ích nhiều mặt từ quy trình sản xuất nông nghiệp tốt

Kinh tế - Ngày đăng : 08:35, 11/01/2022

Các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt ngày càng được hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng. Điều này không chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần phát triển ngành Nông nghiệp bền vững.

Gia đình bà Đồng Thị Liệu, thôn Thanh Sơn, xã Buôn Choáh (Krông Nô), có 1 ha đất trồng lúa. Năm 2021, gia đình bà áp dụng quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP đạt sản lượng, chất lượng cao hơn mọi năm.

Sản xuất theo quy trình tốt được nhiều nông dân xã Quảng Sơn (Đắk Glong) áp dụng

Theo bà Liệu, canh tác lúa theo quy trình nông nghiệp tốt giúp bà giảm bớt nhiều chi phí về phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, điều mà bà cảm thấy có lợi nhiều nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng. Nhờ đó, sản phẩm làm ra bảo đảm an toàn thực phẩm, không dư lượng chất độc hại, hạt lúa chắc, gạo dẻo, thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Theo Sở NN - PTNT, toàn tỉnh hiện có 189 tổ chức, cá nhân được chứng nhận quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương. Tổng diện tích được chứng nhận là trên 26.000 ha. Trong đó, đạt VietGAP là 82 cơ sở, trên 2.200 ha; GlobalGAP 1 cơ sở, 10 ha; hữu cơ 21 cơ sở, trên 650 ha và 4 C, UTZ, Rainforest Alliance 83 cơ sở, trên 23.100 ha…

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, vài năm qua, các đơn vị chuyên môn đã đẩy mạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn để các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp áp dụng các quy trình nông nghiệp tốt.

Việc hỗ trợ, hướng dẫn quy trình nông nghiệp tốt được cụ thể hóa, gắn với những điều mà tổ chức, cá nhân cần, mong muốn. Từ đó, số tổ chức, cá nhân được chứng nhận sản phẩm đạt quy trình nông nghiệp tốt tăng lên.

Cụ thể như VietGAP, năm 2021 tăng 939 ha, tăng 20 cơ sở; hữu cơ tăng gần 263 ha, tăng 9 cơ sở. Các chứng nhận còn lại cũng tăng hơn 3.400 ha, tăng 9 cơ sở so với năm 2020.

"Có thể nói đây là kết quả tăng về diện tích, cơ sở được chứng nhận cao nhất từ trước đến nay. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm các yếu tố bền vững trong canh tác như bảo vệ tài nguyên đất đai, nguồn nước, môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe người lao động", bà Tình đánh giá.

Sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt đã tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao. Người sản xuất cũng thuận lợi hơn trong các khâu như gia nhập thị trường, mở rộng quy mô, xây dựng thương hiệu, hướng đến xuất khẩu...

Bơ booth7 tại Tổ hợp tác bơ Đắk Mil đạt tiêu chuẩn VietGAP

Cũng theo bà Tình, năm 2022, ngành NN - PTNT tiếp tục đẩy mạnh việc tập huấn, hội thảo để phổ biến, nhân rộng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình này ngay từ đồng ruộng.

Hiện nay, UBND tỉnh cũng đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn bán hàng lớn trong nước nhằm tạo các chuỗi giá trị sản phẩm ổn định.

Trong đó, các sản phẩm sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt, đạt chứng nhận sẽ được ưu tiên đưa vào các kênh phân phối hiện đại như chuỗi cửa hàng, siêu thị...

Hoạt động thực hành các quy trình sản xuất tốt cũng sẽ là tiêu chí bắt buộc đối với người sản xuất ở tất cả các khâu. Từ đó, bảo đảm các điều kiện về truy xuất nguồn gốc, chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Đặc biệt, ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ đồng loạt áp dụng các quy trình nông nghiệp tốt để tạo ra sản phẩm tốt, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Bài, ảnh: Hồng Thoan