Chống thất thu trong lĩnh vực khoáng sản vẫn gặp khó

Kinh tế - Ngày đăng : 08:17, 09/03/2022

Hoạt động chống thất thu thuế trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn thời gian qua đã có nhiều kết quả. Tuy nhiên, vì những nguyên nhân khác nhau, công tác chống thất thu ở lĩnh vực này còn nhiều khó khăn, cần được tháo gỡ.

Nhiều nỗ lực

Đắk Nông có trữ lượng tài nguyên, khoáng sản khá phong phú, với nhiều loại như: cát, đá… Những năm gần đây, việc khai thác ở lĩnh vực này diễn ra khá sôi động. Để tăng cường số thu ngân sách từ hoạt động này, ngành Thuế đã có nhiều nỗ lực trong chống thất thu.

Theo ông Trần Văn Long, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, hằng năm, ngành Thuế tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn chống thất thu liên ngành. Một trong những lĩnh vực mà đoàn chống thất thu đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra là lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Ngoài thanh tra, kiểm tra tại cơ sở kinh doanh, điểm khai thác mỏ, đoàn liên ngành còn đẩy mạnh kiểm tra hàng hóa trong quá trình lưu thông. Thông qua hoạt động này, những đơn vị sai phạm, đoàn kiểm tra xử phạt theo quy định.

Việc tuyên truyền, vận động các đơn vị thực hiện đúng quy định về luật thuế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng được đoàn kiểm tra liên ngành đẩy mạnh.

Chỉ riêng trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, ngành Thuế tỉnh đã thực hiện kiểm tra liên ngành đối chiếu số lượng khai thác và số liệu kiểm kê hàng tháng tại nhiều đơn vị. Trong đó, số đơn vị phải kê khai bổ sung là 10 đơn vị, tương ứng số tiền thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường phải kê khai bổ sung hơn 1,2 tỷ đồng.

Chống thất thu ở lĩnh vực khai thác cát trên địa bàn huyện Krông Nô hiện gặp nhiều khó khăn

Riêng tại huyện Krông Nô, đoàn chống thất thu liên ngành triển khai kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát. Nhiều đợt chống thất thu ngân sách đã được triển khai liên tục. Số lượt xe vận chuyển cát được kiểm tra gần 1.200 lượt, với tổng khối lượng cát vận chuyển trên 13.975 mét khối.

Qua kiểm tra, đoàn liên ngành đã xử phạt nhiều xe vận chuyển không có hóa đơn, truy thu vào ngân sách Nhà nước số tiền không nhỏ. Thông qua hoạt động chống thất thu, kết quả kê khai thuế, phí của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản tăng rõ rệt so với trước đây.

Vẫn còn những vướng mắc

Thực tế, hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và khai thác cát nói riêng vẫn diễn ra nhiều. Tuy nhiên, ngành chức năng chưa thể kiểm soát hết do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ông Trà Minh Được, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Cư Jút - Krông Nô cho hay: “Sản lượng các hàng hóa này khó kiểm đếm nên không thể đánh giá đúng sản lượng thực tế đã khai thác. Riêng cơ quan thuế không thể quản lý các hoạt động kinh doanh này về giá và sản lượng do quy định của Luật Quản lý thuế là doanh nghiệp tự khai tự nộp thuế”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Long, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho rằng, việc quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản liên quan đến nhiều ngành, địa phương.

Hoạt động quản lý khai thác đá bazan còn nhiều bất cập dẫn đến thất thu thuế. Ảnh: Song Việt

Điều này dẫn đến công tác quản lý Nhà nước gặp khó khăn, gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Việc cung cấp thông tin, sản lượng khai thác, công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác… còn những bất cập.

“Tình trạng khai thác tài nguyên trái phép, không kê khai nộp thuế vẫn xảy ra. Cơ chế phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động khai thấc tài nguyên, chưa kịp thời. Việc phát hiện, xử lý còn chậm”, ông Long khẳng định.

Cũng theo ông Long, cùng với công tác tuyên truyền, về phía Sở Tài nguyên - Môi trường cần có trách nhiệm đối chiếu sản lượng tài nguyên đã khai thác tại từng mỏ của các đơn vị.

Các bên liên quan phối hợp cùng ngành Thuế để cung cấp các thông tin liên quan. Về cấp giấy phép khai thác, điều chỉnh, bổ sung, chuyển nhượng quyền khai thác…

Việc thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác ở lĩnh vực này cần được các cấp, ngành tổ chức thường xuyên, nhằm quản lý chặt chẽ, giám sát kịp thời các trường hợp chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản.

Nguyễn Lương