Tiêu thụ nông sản - vẫn còn nhiều "nút thắt"

Kinh tế - Ngày đăng : 08:56, 11/03/2022

Lâu nay, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là trăn trở của các cấp, các ngành. Liên quan về vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

P.V: Thưa ông, những năm qua, việc tiêu thụ nông sản thường xuyên gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Hội Nông dân, chính quyền các cấp đã làm gì để hỗ trợ hội viên, nông dân tiêu thụ sản phẩm ?

Ông Hồ Gấm: Những năm gần đây, trung ương cũng như tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ nông sản cho người dân.

Việc hỗ trợ đã đi vào cụ thể như: cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) cho sản phẩm của nông dân; chứng nhận truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu hàng hóa; xây dựng thương hiệu nông sản; chứng nhận các sản phẩm OCOP.

Tháng 7 năm 2021, Hội Nông dân tỉnh đã có văn bản gửi Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các trung tâm, doanh nghiệp... đề nghị hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân tỉnh Đắk Nông.

Riêng các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã trực tiếp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân, với số lượng 400 tấn; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ được 1.400 tấn nông sản.

Đồ họa: Bình Minh - Thanh Nga

Mới đây, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bưu điện Việt Nam hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, 2 đơn vị sẽ đưa 7,5 triệu hộ nông dân trên cả nước lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành các bước triển khai thực hiện chương trình phối hợp này trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm kênh tiêu thụ hàng hóa kể cả trong nước lẫn nước ngoài. Đắk Nông đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến nông sản với quy mô lớn. Từ đó, tạo đầu ra ổn định cho nông sản.

P.V: Có nhiều hỗ trợ như vậy, nhưng trên thực tế, phần lớn nông dân vẫn phải "tự bơi" để tiêu thụ nông sản. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân ?

Ông Hồ Gấm: Nói chung là có rất nhiều sự hỗ trợ. Tuy nhiên, hàng hóa của nông dân vẫn còn phân tán, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, nên ảnh hưởng đến khâu tiêu thụ.

Mặt khác, nông dân vẫn còn chủ quan, vẫn sản xuất theo ý muốn, theo phong trào. Ví dụ, hồ tiêu lên giá thì trồng hồ tiêu. Hồ tiêu xuống giá thì chặt bỏ trồng cây khác. Mỗi hộ trồng một kiểu, nên không cố định được vùng nguyên liệu để thúc đẩy, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu.

Vì thế, mặc dù chính sách có nhiều, nhưng sự tiếp cận chính sách vẫn còn chưa được nhiều lắm. Từ đó, dẫn đến khâu tiêu thụ nông sản thường xuyên gặp phải những trở ngại.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản càng gặp nhiều khó khăn, dù các ngành, các tổ chức, đoàn thể đã nỗ lực kết nối đầu ra cho nông dân.

Sản xuất nông nghiệp phân tán là một nguyên nhân khiến việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn

P.V: Theo ông, thời gian tới, cần phải có giải pháp nào để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm tốt hơn ?

Ông Hồ Gấm: Thời gian tới cần phải bài bản hơn trong tiêu thụ nông sản. Từ các đợt dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản thì nhiều nông dân càng thấy được vai trò của sự liên kết.

Nông dân thấy rõ hơn giá trị của hợp tác với nhau tạo thành tổ chức để có sự hỗ trợ lẫn nhau, kết nối đầu vào, đầu ra tốt hơn. Nông dân cùng nhau tiêu thụ nông sản với tâm thế là “chủ quyền” của nông sản. Họ có thể nắm bắt thông tin, tổ chức sản xuất, đàm phán giá cả chủ động hơn.

Chúng ta cần quan tâm thị trường xuất khẩu, đồng thời chú trọng khai thác thị trường trong nước. Nông dân cần phải định hướng sản xuất lâu dài trên mảnh đất của mình và theo định hướng của ngành chức năng.

Muốn có sản phẩm tốt, sản lượng lớn thì sản xuất riêng lẻ từng nhà là không thể được. Mỗi nhà làm mỗi kiểu thì sản phẩm không có đặc tính vùng miền, vùng nguyên liệu. Như thế thì mình tự làm yếu mình. Chỉ có cách tập hợp lại và nông dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng sản xuất, tiêu thụ.

Trên địa bàn tỉnh cần có các nhà máy sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, đặc biệt là các kho bảo quản lạnh cho trái cây, rau quả… Từ đó, giúp nông dân chủ động nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu thu mua, chế biến của doanh nghiệp.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông !

Thanh Nga thực hiện