Hợp tác Đắk Nông - Bình Phước tăng liên kết vùng, mở đường phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 08:58, 11/03/2022
Ngày 24/2/2022, tại TP. Gia Nghĩa, UBND tỉnh Đắk Nông và UBND tỉnh Bình Phước đã ký kết Chương trình hợp tác phát triển giữa 2 tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025. Tham dự lễ ký kết có đầy đủ tập thể lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở, ngành, địa phương và nhiều doanh nghiệp của 2 tỉnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông và Bình Phước ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội |
Tại chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông và Bình Phước đã cùng ký kết chương trình hợp tác bao gồm 10 nội dung trọng tâm, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Ngoài các nội dung này, hai bên thống nhất sẽ bổ sung, điều chỉnh những lĩnh vực hợp tác cần bổ sung.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến, Đắk Nông và Bình Phước là 2 tỉnh tiếp giáp nhau, có tuyến quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) đi qua, kết nối Đông Nam Bộ với Tây Nguyên. Ngoài việc có trung tâm tỉnh khá gần (khoảng 120 km), 2 tỉnh có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội.
Quốc lộ 14 - tuyến đường độc đạo từ Đắk Nông đi Bình Phước. Cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành nếu được xây dựng sẽ giảm tải cho tuyến đường này |
Những năm qua, Đắk Nông và Bình Phước đã xây dựng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp. Tuy nhiên, 2 tỉnh chưa hiện thực hóa ký kết Chương trình hợp tác chính thức về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.
“Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, việc liên kết, hợp tác, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để cùng phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, tạo ra sự liên kết vùng và liên vùng để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội là hết sức cần thiết”, ông Lê Văn Chiến nhấn mạnh.
Đồ họa: Bình Minh - Lê Phước |
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Đắk Nông rất mong muốn được hợp tác, phát triển với các địa phương, đặc biệt là người bạn láng giềng Bình Phước trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường thể hiện sự đồng tình với Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông. Bình Phước sẽ nỗ lực cùng Đắk Nông xúc tiến xây dựng cao tốc kết nối giữa 2 tỉnh trong thời gian sớm nhất bằng hình thức đầu tư công. Bình Phước mong Đắk Nông ủng hộ trong kêu gọi các dự án có lợi cho 2 tỉnh và khu vực.
Đồ họa: Bình Minh - Lê Phước |
Chương trình hợp tác giữa Đắk Nông và Bình Phước được xây dựng với các nội dung cụ thể, thiết thực. Mỗi địa phương cử 1 lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo thực hiện chương trình. Hai tỉnh trực tiếp giao các sở, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch hợp tác cụ thể trên từng lĩnh vực do đơn vị mình quản lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười kêu gọi các sở, ngành, địa phương của 2 tỉnh liên hệ với nhau, lên kế hoạch phối hợp để sớm triển khai các nội dung liên quan.
“Chúng ta nói thật, làm thật, hợp tác thật. UBND tỉnh cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa về nhân lực, vật lực để thực hiện thành công chương trình”, ông Hồ Văn Mười nhấn mạnh.
Đồ họa: Bình Minh - Lê Phước |
Theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Bình Phước là vùng đất dự trữ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện Bình Phước đang từng bước hiện thực hóa vùng dự trữ thành hiện thực với sức hút rất lớn. Nếu liên kết tốt với Bình Phước, Đắk Nông sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư…
10 nội dung chính trong Chương trình hợp tác phát triển giữa Đắk Nông và Bình Phước giai đoạn 2022 - 2025: 1. Lĩnh vực nông nghiệp: Hợp tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh; phát triển nông nghiệp - nông thôn; phát triển thị trường; ứng dụng khoa học kỹ thuật… 2. Lĩnh vực công nghiệp - thương mại: Hợp tác nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp chủ lực; xúc tiến, thu hút đầu tư; quy hoạch, phát triển hạ tầng công nghiệp… 3. Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch: Phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, quảng bá du lịch; kêu gọi nhà đầu tư khảo sát, thực hiện các dự án du lịch; kết nối các tour tuyến du lịch… 4. Lĩnh vực giao thông vận tải: Tập trung thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường kết nối; quản lý, khai thác hiệu quả các tuyến vận tải… 5. Lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và giới thiệu việc làm: Liên kết phối hợp đào tạo nghề, trình độ trung cấp, cao đẳng; trao đổi các thông tin về lao động, kinh nghiệm quản lý lao động… 6. Lĩnh vực phát triển đô thị: Hợp tác trao đổi về kinh nghiệm lập quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai; phát triển đô thị văn minh, hiện đại; kêu gọi nguồn lực phát triển đô thị. 7. Lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh: Thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế. 8. Lĩnh vực cải cách hành chính: Cải thiện và nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và các thông tin liên quan về chuyển đổi số, kinh tế số; cải thiện PCI, Par Index, PAPI… 9. Lĩnh vực bảo đảm an ninh chính trị, đấu tranh phòng chống tội phạm: Hỗ trợ nhau bảo đảm an ninh, chính trị, đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tại các địa bàn giáp ranh. 10. Hợp tác giữa 2 tỉnh trong vùng Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam: phối hợp và hỗ trợ nhau trong quá trình hợp tác phát triển với các tỉnh của Campuchia có đường biên giới với 2 tỉnh. |