Tăng cường liên kết, nâng tầm giá trị cây ăn quả
Kinh tế - Ngày đăng : 09:52, 14/03/2022
Theo Sở NN-PTNT, thời gian qua, các địa phương đã đưa cây ăn quả vào trồng thay thế cho diện tích cây trồng kém năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Việc chuyển đổi cây trồng được thực hiện phù hợp với điều kiện sản xuất, thu nhập của người dân.
Những năm qua, diện tích cây ăn quả tăng khá nhanh. Nếu như năm 2015, toàn tỉnh có 4.781 ha cây ăn quả thì năm 2021 đã tăng lên trên 12.000 ha. Trong đó, sầu riêng gần 3.000 ha, sản lượng khoảng 13.000 tấn; bơ khoảng 2.500 ha, sản lượng 10.300 tấn; xoài 1.300 ha, sản lượng khoảng 6.000 tấn… Cây ăn quả được trồng nhiều trên địa bàn các huyện như Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Glong, Tuy Đức, TP. Gia Nghĩa…
Khâu chế biến, bảo quản sản phẩm trái cây sau thu hoạch vẫn là khâu yếu nhất hiện nay |
Bên cạnh mặt tích cực, việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Phổ biến nhất là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng cây ăn quả chưa đồng đều.
Các mô hình liên kết sản xuất cây ăn quả còn hạn chế. Nông dân chưa tuân thủ quy hoạch, trồng cây ăn quả theo phong trào, công đoạn xử lý sau thu hoạch còn thiếu…
Trái cây đến mùa thu hoạch thường tiêu thụ thị trường nội tỉnh và một số tỉnh trong nước, nên người sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhất là thường bị tư thương ép giá.
Phần lớn sản lượng trái cây của tỉnh được bán thô. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP... trong sản xuất cây ăn quả còn thấp. Các khâu như thu hoạch, phân loại, làm sạch, đóng gói, bảo quản trái cây… chưa phát triển.
Phần lớn sản lượng sầu riêng của tỉnh được tiêu thụ một cách nhỏ lẻ, thiếu quy mô liên kết, kém ổ định |
Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, trái cây là sản phẩm có thời hạn bảo quản ngắn, thu hoạch tập trung theo mùa vụ. Trong khi các chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm trái cây còn chưa rõ ràng, thiếu bền vững. Vì thế, người dân luôn đối mặt với nỗi lo đầu ra khi đến mùa thu hoạch trái cây.
Thời gian qua, một số nhà đầu tư lớn cũng đã quan tâm, muốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến trái cây ở Đắk Nông. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên đến nay, các dự án vẫn chưa được triển khai.
Đến nay, tỉnh chưa có nhà máy chế biến sâu các sản phẩm trái cây. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 nhà máy sơ chế bơ quy mô nhỏ; 20 cơ sở sản xuất, sơ chế trái cây, chủ yếu là cấp đông chanh dây để xuất đi các tỉnh.
Về mục tiêu phát triển ngành hàng trái cây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra mục tiêu tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó có trái cây.
Trên tinh thần đó, các cấp, ngành, địa phương đã khẩn trương rà soát, chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ngành Nông nghiệp cũng chủ động phối hợp với các địa phương hình thành các vùng trồng cây ăn quả chủ lực, tập trung, ứng dụng công nghệ cao.
Cây ăn quả được tỉnh phát triển theo hướng bảo đảm năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Những năm qua, người trồng cây ăn quả cũng bắt đầu có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Trên địa bàn tỉnh bắt đầu hình thành các mô hình liên kết sản xuất cây ăn quả theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, Organic…
"Tỉnh tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây bền vững, đồng thời nhân rộng các mô hình “vườn mẫu, rẫy mẫu”, sản phẩm OCOP... để thuận lợi trong việc hỗ trợ công nghệ, tiêu thụ sau thu hoạch", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết.