Kiểm soát và chuẩn hóa giống cây trồng (kỳ 1): Bấp bênh nguồn giống cây trồng
Kinh tế - Ngày đăng : 08:34, 21/03/2022
Nguồn giống cây trồng có chất lượng góp phần rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, làm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, thị trường cung ứng nguồn giống cây trồng có chất lượng của tỉnh hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân.
Nhiều nguồn giống trôi nổi
Theo Sở NN - PTNT, hiện nay, đa số các loại giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm đều được người dân nhập từ các tỉnh lân cận như: Đắk Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng và các tỉnh miền Tây để cung cấp cho người dân.
Ngành Nông nghiệp đã có các khuyến cáo cụ thể đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và người dân trong việc lựa chọn, mua giống về sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở tự sản xuất giống cây trồng không tiến hành kiểm định chất lượng theo quy định trước khi xuất vườn.
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 80% cây giống không được ghi nhãn hàng hóa theo quy định, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh theo mùa vụ tự phát.
Khoảng 80% lượng cây giống trên địa bàn không được ghi nhãn hàng hóa, không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ |
Nhiều cơ sở kinh doanh cây giống tự ý lấy tên, biển hiệu tùy thích. Thậm chí có những cơ sở, cá nhân còn mạo danh, lấy cắp thương hiệu các đơn vị sản xuất giống có tên tuổi như Viện Eakmat Tây Nguyên, VinaSeed, Viện giống Trung ương…
Thực trạng này dẫn đến nguy cơ gây rủi ro cho người dân khi mua giống cây trồng. Thực tế đã có rất nhiều người mua phải giống cây trồng kém chất lượng, dẫn đến thất bại nặng nề.
Đơn cử như tại huyện Tuy Đức hiện có 35 cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng. Trong đó, một số cơ sở thực hiện nhập giống trực tiếp từ Viện Eakmart Tây Nguyên về bán. Còn lại một số loại giống do bà con tự sản xuất để phục vụ nhu cầu sản xuất tại chỗ.
Nhiều nguồn giống cây trồng được người dân mua trôi nổi trên thị trường và không được bảo đảm về chất lượng |
Ông Kiều Quí Diện, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức cho biết, nguồn giống cây trồng hiện nay rất khó kiểm soát. Do đó, địa phương và người dân rất cần sự định hướng dài hơi.
Trong đó, với cây trồng mới như mắc ca, cần phải xây dựng được vườn giống cây chất lượng tại chỗ với những cây giống mang tính trội. Từ đó, làm nguồn giống đầu dòng và cung ứng cho người dân.
Một số cây trồng khác, cần có sự phối hợp với các tỉnh, đơn vị có tiếng tăm trong cả nước để tiếp tục chuyển giao nguồn giống, bảo đảm chất lượng, giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất.
Thiếu điều kiện sản xuất giống
Nhu cầu về nguồn giống chất lượng là rất nhiều. Thế nhưng, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 1 đơn vị đáp ứng đủ hạ tầng, trang thiết bị đối với kỹ thuật nuôi cấy mô để tạo giống có chất lượng.
Đó là Trung tâm Thông tin, kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ (Sở KHCN). Thời gian qua, Trung tâm đã có 1 số giống cây trồng được thực hiện thành công, đưa ra thị trường như: hoa cúc, khoai lang, lan gấm…
Công ty TNHH MTV Mắc ca Đắk Nông, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) sản xuất giống bằng hình thức trồng cây thực sinh và cắt chồi ghép |
Ngoài ra, các dự án VnSAT, 3EM đã đầu tư, hỗ trợ Đắk Nông xây dựng hạ tầng để sản xuất, cung ứng giống như vườn ươm, vườn nhân chồi… Nhờ đó, tỉnh đã phần nào đáp ứng được nhu cầu về giống phục vụ cho người dân trên địa bàn. Còn lại đa phần công nghệ sản xuất giống của tỉnh chỉ mới dừng lại ở kỹ thuật ghép cây, sau đó bán ra thị trường.
Công ty TNHH MTV Mắc ca Đắk Nông đang là 1 trong 2 cơ sở cung ứng giống mắc ca cho bà con trên địa bàn huyện Tuy Đức. Bằng hình thức trồng cây thực sinh và cắt chồi ghép, hàng năm, đơn vị cung ứng hàng vạn giống cây mắc ca cho bà con trong vùng.
Ông Nguyễn Đình Y, quản lý cây giống của Công ty cho biết, quy trình sản xuất giống là trồng cây thực sinh từ những hạt mắc ca to, khỏe. Sau khi cây lên được khoảng 10 tháng tuổi, Công ty tiến hành cắt chồi để ghép.
Tuy nhiên, quy trình sản xuất giống như vậy vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Do đó, Công ty đang thuê 1 đơn vị ở Đắk Lắk để thực hiện kỹ thuật sản xuất giống tốt hơn.
Theo Sở NN - PTNT, hiện nay, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc sản xuất, cung ứng các nguồn giống của tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng.
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất giống cây trồng còn hạn chế. Các nguồn giống chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Đắk Nông |
Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết, thực tế, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có các doanh nghiệp đủ tiềm lực để đầu tư công nghệ, dây chuyền hiện đại vào sản xuất cây giống.
Trong khi đó, các cơ chế, chính sách cũng chưa đủ mạnh để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư hoặc sử dụng công nghệ cao vào sản xuất giống cây trồng.
Để cung ứng cho nhu cầu giống cây trồng tại chỗ bảo đảm về chất lượng, Sở NN - PTNT đã phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá để công nhận một số giống cây đầu dòng. Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận được 8 cây đầu dòng và 2 vườn cây đầu dòng. Trong đó, gồm 1 cây chanh dây, 1 cây cà phê và 6 cây bơ; 1 vườn cà phê và 1 vườn chanh dây. |
>>Kỳ 2:Nghịch lý giữa nghiên cứu và thực tiễn