Kiểm soát và chuẩn hóa giống cây trồng (kỳ 3): Kỳ vọng từ nguồn giống tại chỗ

Kinh tế - Ngày đăng : 09:28, 23/03/2022

Nguồn giống chất lượng được cung ứng tại chỗ giúp người dân yên tâm đầu tư cho sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Việc hoàn thiện các chính sách cũng như các giải pháp thúc đẩy hợp tác, liên kết trong sản xuất giống cây trồng cần được thực hiện sớm.

Xây dựng nguồn giống tại chỗ

Cuối năm 2020, huyện Tuy Đức được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chuyển giao 3 vạn cây Khoai lang Nhật Bản được nuôi cấy mô. Bà con trên địa bàn đang kỳ vọng đây sẽ là nguồn cung giống cây trồng bảo đảm về chất lượng tại chỗ cho vụ mùa những năm tiếp theo.

Trước đây, gia đình ông Bùi Văn Phóng ở thôn 4, xã Đắk Búk So muốn mua giống khoai lang Nhật Bản phải lặn lội qua tận Lâm Đồng để mang về. Năm nay, gia đình đã có thể tự ươm giống để trồng và phục vụ cho bà con quanh vùng.

Ông Phóng chia sẻ: “Ưu điểm lớn nhất của giống khoai lang nuôi cấy mô của Đắk Nông là kháng bệnh rất tốt. Sau thời gian trồng, cây phát triển tốt, chi phí đầu tư lại giảm nhiều. Trước đây, 1 ha cây giống, gia đình phải mất từ 18-20 triệu đồng thì nay chỉ còn 12 triệu đồng/ha, mà chúng tôi không phải đi lại vất vả”.

Giống khoai lang Nhật Bản được đưa về trồng tại huyện Tuy Đức sau khi nuôi cấy mô

Được biết, 3 vạn mô khoai lang Nhật Bản sau khi đưa về đã được quy về trồng tại vườn ươm của huyện. Khi cây được khoảng 20-25 cm được tách ra vườn giâm, tiếp đó mới cắt dây bán giống lại cho bà con.

Tương tự, Dự án nông thôn miền núi “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống, trồng thương phẩm và tiêu thụ gấc lai bền vững tại tỉnh Đắk Nông” cũng đang mang lại nhiều kết quả khả quan.

Thông qua dự án, HTX Nam Hà (Cư Jút) đã tiếp nhận giống gấc lai năng suất và chất lượng cao; tiếp nhận công nghệ nhân giống, trồng thâm canh; xây dựng cơ sở sản xuất cây giống gấc lai và mô hình sản xuất gấc lai thương phẩm trên diện rộng.

Qua đó góp phần tăng thu nhập, phát triển sản xuất gấc bền vững tại huyện Cư Jút và Krông Nô. Đến nay, sau khi kết thúc dự án đã duy trì, nhân rộng tại địa bàn triển khai.

Cụ thể, đến nay, HTX đã nhân giống được hàng chục ngàn cây giống trên diện tích 60 ha ở tỉnh Đắk Nông và 40 ha ở tỉnh Đắk Lắk. Năng suất ước đạt 25-35 tấn/ha. Màng gấc sấy khô được xuất khẩu sang Đài Loan và Trung Quốc. Đơn vị đang tiếp tục triển khai mở rộng diện tích sản xuất tại một số địa phương như: Krông Nô, Cư Jút và Đắk Mil.

Lan Hồ Điệp nuôi cấy mô và được đưa ra trồng ngoài nhà kính để nhân giống

Ông Lê Xuân Quả, Giám đốc Trung tâm Thông tin và ứng dụng KHCN cho biết: “Đây là những nguồn giống được đơn vị thực hiện chuyển giao nhằm xây dựng nguồn cung ứng giống cây trồng tại chỗ cho bà con trên địa bàn tỉnh. Các dự án bước đầu đã mang lại kết quả khá cao giúp đơn vị tiếp tục nghiên cứu và chuyển giao thêm nhiều nguồn giống chất lượng để đáp ứng tốt nhu cầu của bà con trên địa bàn”.

Hình thành hệ thống cung ứng giống chất lượng

Ông Lưu Văn Đặng, Phó Giám đốc Sở KHCN, trước tiên, chúng tôi sẽ có những nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN về cây giống chanh dây, sau đó đến cây mắc ca.

Vì nguồn kinh phí có hạn nên mỗi năm, đơn vị sẽ làm từng bước và làm đến đâu chắc đến đó. Giống cây nào quan trọng nhất, hiệu quả nhất và chiếm tỷ trọng cao thì sẽ được ưu tiên triển khai nghiên cứu, chuyển giao trước.

Ngoài ra, ngành đang thực hiện nhiệm vụ điều tra, khảo sát thực trạng các chính sách hỗ trợ. Từ đó đề xuất bổ sung hoàn thiện chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Tiếp đó, đơn vị sẽ tham mưu cho tỉnh để có các cơ chế thu hút được nhiều doanh nghiệp về đầu tư cho sản xuất giống cây trồng. Đặc biệt, các ngành phải xây dựng được cơ chế kiểm soát các cơ sở sản xuất giống thật chặt chẽ và cấp phép nghiêm túc.

Nguồn cung ứng và sản xuất giống các loại cây trồng sẽ được kiểm soát chặt chẽ và nghiêm túc hơn

Có như vậy, việc sản xuất giống cũng như đưa nguồn giống cây trồng ra thị trường mới bảo đảm về chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất của người dân trên địa bàn.

Với định hướng từ nay đến năm 2025, ngành Nông nghiệp vẫn là ngành quan trọng góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Nông. Do đó, nhiệm vụ phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ nông nghiệp được xem là tiềm lực để phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Để người dân có được nguồn giống bảo đảm chất lượng cung ứng tại chỗ, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ đề xuất, bố trí xây dựng các mô hình điểm đối với các nguồn giống cây trồng. Từ đó giúp đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, tính thích nghi, hiệu quả kinh tế với điều kiện tại địa phương, làm cơ sở khuyến cáo cho người dân.

Đặc biệt, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nâng cao năng lực của hệ thống ứng dụng, chuyển giao, sản xuất, cung ứng phải được đầu tư theo hướng đa dạng các giống cây trồng cho tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cho nông dân, hợp đồng chuyển giao các bản quyền về công nghệ sản xuất giống sẽ được tăng cường hơn nữa.

“Về lâu dài, ngành sẽ tham mưu và từng bước hình thành hệ thống sản xuất và cung ứng giống phục vụ nhu cầu của tỉnh. Trong đó ưu tiên phát triển sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, xây dựng các dự án bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi bản địa, đặc hữu trên địa bàn”- Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT chia sẻ.

Lê Dung