Đắk Song - huyện đầu tiên phát triển vùng hồ tiêu cảnh quan bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 08:44, 24/03/2022

Đắk Song - huyện đầu tiên của cả nước đang xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất hồ tiêu kết hợp cảnh quan quy mô lớn theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế cao.

Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) và Liên minh châu Âu (EU) là nhà tài trợ cho dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững cho hồ tiêu tại Việt Nam”.

Dự án này nhằm hỗ trợ và phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu của thị trường châu Âu, Mỹ. Dự án được Chính phủ phê duyệt cuối năm 2021.

Hồ tiêu Đắk Song không chỉ có năng suất, chất lượng mà còn phát triển theo hướng cảnh quan

Theo ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc Quốc gia IDH, huyện Đắk Song được chọn là một trong những vùng trọng điểm để thực hiện dự án. Đắk Song là huyện đầu tiên ở Việt Nam được dự án áp dụng phương pháp tiếp cận cảnh quan bền vững trong sản xuất hồ tiêu.

Sau khi tiếp cận thực tế, IDH đã thảo luận với chính quyền địa phương và thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hồ tiêu cảnh quan bền vững tại huyện Đắk Song.

Sản xuất hồ tiêu hữu cơ tại Đắk Song góp phần giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm sức khỏe cho người canh tác

“Ban Chỉ đạo sẽ có nhiệm vụ tham mưu cho UBND huyện quản trị vùng sản xuất, từng bước hình thành và phát triển vùng nguyên liệu hồ tiêu bền vững quy mô lớn, chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu thị trường quốc tế”, ông Huỳnh Tiến Dũng cho hay.

Huyện Đắk Song đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hồ tiêu cảnh quan bền vững. Ban Chỉ đạo sẽ giúp tổ chức thực hiện các hoạt động thuộc Chương trình; bảo đảm tuân thủ các cơ chế, quy chế quản lý; tuyên truyền về Chương trình; tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản, chia sẻ bài học kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình, sáng kiến.

Đắk Song hiện có 6 doanh nghiệp đang liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu hồ tiêu bền vững. Các đơn vị này đã cùng người dân xây dựng được 309 ha hồ tiêu đạt Chứng nhận hữu cơ và VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt); 1.204 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn Rainforest (tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững).

Theo Trưởng Phòng NN - PTNT Đắk Song Lê Hoàng Vinh, việc liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất hồ tiêu tại địa phương là khá ổn định, chặt chẽ.

Đắk Song đang từng bước mở rộng vùng nguyên liệu hồ tiêu cảnh quan bền vững

Hầu hết các doanh nghiệp đều hỗ trợ phân bón, khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân. Giá cả hồ tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ luôn cao hơn thị trường khoảng 20%.

Nhờ những tín hiệu khách quan, nhiều người dân đã chủ động sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ để tham gia các chương trình liên kết. Ngoài những diện tích đã được cấp chứng nhận, Đắk Song có nhiều diện tích có thể đạt chứng nhận trong thời gian tới.

Đắk Song có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là cây hồ tiêu. Hiện toàn huyện có trên 41.000 ha cây dài ngày, trong đó có trên 14.000 ha hồ tiêu. Huyện đã có 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại Thuận Hà (416,4 ha) và Thuận Hạnh (1.133 ha).

Ông Lê Hoàng Vinh phân tích: Hồ tiêu ở Đắk Song không chỉ có diện tích, năng suất, chất lượng cao mà còn có cảnh quan khá đẹp. Cảnh quan này có được là do quá trình liên kết, sự học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật của người dân và doanh nghiệp.

Khi liên kết và hình thành vùng nguyên liệu tiêu chuẩn, hồ tiêu ở Đắk Song sẽ “rộng đường” tiêu thụ ra những thị trường khó tính. Mở rộng vùng nguyên liệu bền vững và xúc tiến kết nối tiêu thụ chính là mục tiêu mà Ban Chỉ đạo sẽ tập trung triển khai thực hiện sau khi hình thành.

Thanh Hà