Sản xuất công nghiệp Đắk Nông phục hồi tăng trưởng
Kinh tế - Ngày đăng : 14:47, 04/04/2022
Nhiều sản phẩm tăng cao
Theo đánh giá của Sở Công thương, trong quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 7,42% so với cùng kỳ.
Trong số 4 lĩnh vực nội ngành đã có tới 3 lĩnh vực có sự tăng trưởng khá. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,22%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 14,07%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,62%.
Ở từng sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh trong 3 tháng đầu năm đã có sự tăng trưởng vượt trội. Đặc biệt là ở ngành công nghiệp chế biến, nhiều doanh nghiệp đã có giải pháp thích ứng linh hoạt, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Cụ thể như cà phê bột tăng 16,5%; chế biến cà phê tăng 3,3%; tinh bột sắn tăng 62%; hạt điều nhân tăng 20,8%; mủ cao su tăng 167,2%... Sản xuất được đẩy mạnh, các đơn hàng của đối tác kịp thời được đáp ứng, nhất là phục vụ thị trường xuất khẩu.
Sản xuất cà phê bột tại Công ty TNHH MTV Điền Gia Đắk Nông (Gia Nghĩa) |
Trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh thực hiện được 258 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ, đạt 22% kế hoạch. Đáng chú ý nhất đó là các mặt hàng như: tiêu đen tăng 113,8%; ván MDF, ván dán tăng 165,5%; sản phẩm alumin tăng 116,35%; điều nhân tăng 1,3%...
Theo bà Huỳnh Thị Yến Nhi, quản lý Nhà máy Công ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu (Đắk Song), cùng với việc linh hoạt trong phát triển sản phẩm mới, doanh nghiệp đã tiếp cận thêm các thị trường tiêu thụ mới cho sản phẩm.
Nhờ đó, sản phẩm tiêu các loại của đơn vị luôn tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, nhất là khi thị trường xuất khẩu được mở rộng cửa trở lại.
Đồng hành với doanh nghiệp
Có được những kết quả trên, trước hết là do tỉnh thực hiện có hiệu quả các kế hoạch về phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Các cấp, ngành, địa phương đã có biện pháp kịp thời, hiệu quả trong công tác tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Việc thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) có những tín hiệu khả quan. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 CCN, với tổng diện tích là 149,61 ha.
Trong đó, CCN Thuận An đến nay tỷ lệ lấp đầy giai đoạn I đạt 93,7% và đã thu hút được 17 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký đầu tư khoảng 300,4 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động.
Cân, đóng gói sản phẩm hồ tiêu phục vụ thị trường xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu (Đắk Song) |
CCN BMC hiện đã có 2 nhà đầu tư ký kết hợp đồng thuê đất, với diện tích là 3 ha để triển khai dự án. CCN Krông Nô, chủ đầu tư hiện đã nhận bàn giao mặt bằng trên diện tích 21,85/25 ha để triển khai thực hiện dự án...
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trang thiết bị máy móc tiên tiến được tăng cường. Theo đó, kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2022 được giao với tổng kinh phí thực hiện là gần 4 tỷ đồng.
Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 1,5 tỷ đồng. Phần lớn nguồn kinh phí này sẽ dành hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến nông sản. Qua đó góp phần đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh trên thị trường.
Hiện tại, ngành Công thương đang xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng hoàn thiện hồ sơ đề án để ký kết hợp đồng thực hiện sau khi có ý kiến thống nhất phân bổ dự toán ngân sách của Bộ Tài chính.