Đăng ký sở hữu trí tuệ - Giải pháp bảo vệ sản phẩm

Kinh tế - Ngày đăng : 09:09, 18/04/2022

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) sẽ góp phần bảo vệ sản phẩm của doanh nghiệp trước những cạnh tranh không lành mạnh. Đối với sản phẩm có giá trị cao, SHTT lại càng quan trọng hơn để vươn tới thị trường quốc tế.

Khẳng định năng lực sản xuất

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Phát (Gia Nghĩa) mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 20-30 tấn mắc ca. Năm 2021, Công ty đã đăng ký SHTT nhãn hiệu “VINABOM” cho sản phẩm của mình.

Có tên tuổi, sản phẩm của Công ty dễ dàng tiếp cận thị trường, được nhiều khách hàng tin dùng. Theo bà Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty, quá trình đăng ký nhãn hiệu, bao bì, Công ty được Sở KHCN quan tâm hỗ trợ rất kỹ lưỡng.

Việc đăng ký SHTT tương đối dễ dàng. "Giờ đây, Công ty có thể toàn tâm phát triển sản xuất, không lo sản phẩm bị làm giả, làm nhái", bà Dịu cho biết.

Sản xuất mắc ca tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Phát (Gia Nghĩa)

Sau khi được cấp chứng nhận OCOP hạng 3 sao, HTX Nông nghiệp Xanh Quảng Trực (Tuy Đức) đã tiến hành đăng ký quyền bảo hộ SHTT cho sản phẩm “Mắc ca Mơ Nông” của mình.

Các thủ tục về tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số, mã vạch, tem chống hàng giả… đều được các cấp, ngành hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình cho HTX.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX, để có được sản phẩm chất lượng, các xã viên đã bỏ ra rất nhiều công sức, trí tuệ.

Thế nhưng, khi tung sản phẩm ra thị trường, khả năng bị làm giả, làm nhái sẽ rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, cùng với việc tiếp tục nâng cao về chất lượng, việc đăng ký SHTT là rất quan trọng.

"Có SHTT, tem chống hàng giả, hàng kém chất lượng, chúng tôi sẽ bảo vệ được uy tín, giá trị sản phẩm của mình một cách lâu dài", ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Sản phẩm "Mắc ca Mơ nông" của HTX Nông nghiệp Xanh Quảng Trực (Tuy Đức) đã đăng ký sở hữu trí tuệ

Cần chính sách hỗ trợ đặc biệt

Theo Sở KHCN, đến nay, Đắk Nông có gần 60 nhãn hiệu thuộc lĩnh vực nông sản đã được đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Sản phẩm có đăng ký SHTT khá đa dạng như: cà phê, bơ, xoài, sầu riêng, khoai lang, rau, củ, quả…

Phần lớn các sản phẩm nông sản đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu thông thường. Trong đó, nổi bật nhất là "Tiêu Thu Thủy", "Tiêu Đắk Nông"; "Cà phê Godere", "Cà phê Đắk Tín", "Cà phê Hoàng Gia Phú"…

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có một số nông sản đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể như: "Khoai lang Tuy Đức", "Xoài Đắk Mil"; "Sầu riêng Đắk Mil"; "Cà phê Đắk Mil"; "Tiêu Đắk Song - Đắk Nông"; "Gà thả vườn Đắk R’lấp"; "Lúa gạo Krông Nô"…

Đặc biệt, cuối năm 2021, sản phẩm hồ tiêu của tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp chứng nhận về chỉ dẫn địa lý "Đắk Nông". Đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh đạt được thành công này.

Đồ họa: Bình Minh - Lê Dung

Theo luật sư Lương Thành Long, Trung tâm nghiên cứu Công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK, số lượng sản phẩm, dịch vụ của Đắk Nông được bảo hộ SHTT đang rất ít so với cả nước.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp, HTX đã tiến hành bảo hộ quyền SHTT cho sản phẩm của mình, nhưng chủ yếu là về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Còn chất lượng sản phẩm có SHTT thì chưa nhiều.

Trong thời gian tới, Đắk Nông cần có chính sách riêng biệt trong việc phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm hàng hóa. Trước hết, địa phương cần tập trung tuyên truyền, tập huấn đến các doanh nghiệp, HTX có sản phẩm tham gia vào chương trình OCOP.

Từ đó, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu, tiếp cận đúng cách về SHTT. Tỉnh cũng cần xây dựng kế hoạch để đưa việc tạo lập, khuyến khích bảo hộ quyền SHTT ngay từ khi bắt đầu sản xuất...

Lê Dung