Đắk Mil hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung
Kinh tế - Ngày đăng : 09:16, 26/04/2022
Huyện Đắk Mil hiện đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Chẳng hạn, tại vùng trồng xoài Đắk Gằn, ngành chức năng của huyện đã hỗ trợ người dân áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, liên kết để tạo quy mô sản phẩm chất lượng cao.
Đến nay, xã Đắk Gằn đã xây dựng được vùng nguyên liệu xoài tập trung với quy mô 300 ha. Toàn bộ diện tích xoài này đều được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Sản phẩm xoài của bà con đều được gắn mã QR, giúp thuận lợi hơn trong tiêu thụ. Năm 2021, vùng trồng xoài Đắk Gằn được tỉnh Đắk Nông đưa vào quy hoạch thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Vùng sản xuất xoài Đắk Gằn đã đạt tiêu chuẩn VietGAP |
Theo ông Hà Quang Đạo, Giám đốc HTX Xoài Đắk Gằn, sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đang mang lại nhiều giá trị tốt cho người trồng xoài. HTX đang hướng tới việc sản xuất theo các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, an toàn, tham gia OCOP, từng bước giải quyết đầu ra cho sản phẩm xoài.
Đối với cây cà phê, giai đoạn 2015 – 2020, người dân trên địa bàn huyện Đắk Mil đã tập trung tái canh, thay đổi giống mới phù hợp với đất đai, điều kiện canh tác để tăng năng suất, sản lượng.
Cùng với đó, người dân đã sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn do các đơn vị thu mua đặt ra. Dấu ấn lớn nhất của ngành cà phê huyện Đắk Mil là năm 2021, UBND tỉnh đã công nhận Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận An (Đắk Mil).
Vùng sản xuất cà phê này có quy mô 335 ha, với 186 hộ dân tham gia. Các hộ đều sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, Faitrade… Sản phẩm sau thu hoạch tại vùng cà phê này đã được liên kết tiêu thụ với các đơn vị rang xay, chế biến trong và ngoài nước.
Đắk Mil đã hình thành được Vùng sản xuất cà phê công nghệ cao ở xã Thuận An |
Theo UBND huyện Đắk Mil, địa phương đang xây dựng lộ trình hình thành các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung. Theo đó, đến năm 2025, huyện mở rộng quy mô vùng sản xuất cà phê công nghệ cao tại các xã Thuận An, Đắk Lao, Đức Minh, Đức Mạnh, với quy mô 5.820 ha; vùng sản xuất cây ăn quả tại xã Đắk Gằn, quy mô 1.200 ha.
Huyện định hướng xây dựng vùng chăn nuôi tập trung ở xã Đắk Sắk và Long Sơn, với tổng đàn 850.000 con/năm; vùng chăn nuôi tập trung tại các xã Đắk Gằn, Đắk R’la. Trong các vùng chăn nuôi này sẽ có 14 trang trại chăn nuôi heo; 21 trang trại chăn nuôi gà, vịt tập trung.
Theo ông Cao Đức Nguyên, Phó Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Đắk Mil, sau khi hình thành vùng nguyên liệu tập trung, ngành Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ cung cấp mã vùng trồng, giúp người dân thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài những kết quả đã có, huyện tiếp tục chú trọng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao; các vùng trồng trọt, chăn nuôi an toàn. Đây sẽ là cơ sở để huyện thu hút đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
Để vùng sản xuất tập trung phát huy hiệu quả, mang lại giá trị cao cho người sản xuất, bảo đảm phát triển bền vững, huyện sẽ quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi.
Huyện cũng tăng cường kêu gọi đầu tư vào chế biến nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất, bảo đảm ổn định đầu ra của sản phẩm nông nghiệp.