Người lao động là động lực phát triển của doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 05:46, 01/05/2022
Những hỗ trợ thiết thực
Công ty Cà phê Đức Lập ở xã Đắk Lao (Đắk Mil) hiện đang quản lý 600 ha cà phê, ca cao, cao su, với khoảng 300 người lao động. Với phương châm “lấy người lao động làm trung tâm, chăm lo tốt chính sách cho người lao động chính là tạo nguồn lực quan trọng để phát triển doanh nghiệp”, trong những năm qua, các chế độ của người lao động luôn đơn vị quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Ngoài làm tốt công tác thăm hỏi đoàn viên ốm đau, gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn, Công ty Cà phê Đức Lập đã tham mưu và phối hợp tổ chức tốt việc khám sức khỏe định kỳ, cấp bảo hộ lao động cho công nhân đúng quy định.
Chị Doãn Thị Quỳnh Giao, công nhân công ty cho biết, trong gần 2 năm qua, đời sống của người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Công ty Cà phê Đức Lập đã thăm hỏi, hỗ trợ động viên thường xuyên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của mỗi người. Đối với những công nhân phải cách ly, điều trị bệnh được công đoàn hỗ trợ một phần kinh phí để ổn định cuộc sống sau khi trở về nhà.
Đặc biệt, theo chị Giao, vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh, làm gia tăng chi phí đầu vào, giảm năng suất vườn cây, dẫn đến hiệu quả kinh tế của cây trồng không cao. Trước tình hình trên, Ban Giám đốc Công ty Cà phê Đức Lập đã giảm 10% sản lượng đóng góp, tạo điều kiện cho người lao động có thêm thu nhập, tái đầu tư vườn cây. Đối với những vườn cây phát triển kém, cần đầu tư phục hồi, công ty còn hỗ trợ một phần phân bón.
“Chính nhờ những chính sách quan tâm, hỗ trợ thiết thực đã giúp chúng tôi gắn bó với công việc, với công ty. 14 năm làm việc tại đây, bên cạnh những nỗ lực của bản thân, những lợi ích mà công ty mang lại đã tạo sự tin tưởng trong mỗi người lao động”, chị Giao cho hay.
Theo ông Nguyễn Duy Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cà phê Đức Lập, năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty cũng như việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động. Tuy nhiên, công ty vẫn bảo đảm thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,2 triệu đồng/người/tháng và thực hiện đầy đủ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Xác định người lao động là động lực để phát triển ổn định, bền vững, doanh nghiệp coi việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển.
Bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ
Trong khi đó, với đặc thù công việc đòi hỏi tính kỹ thuật và kỷ luật cao, Công ty Điện lực Đắk Nông thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho người lao động.
Bên cạnh những đợt huấn luyện, sát hạch tập trung, Công ty Điện lực Đắk Nông tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công nhân kết hợp vừa làm, vừa học, từ lý thuyết cho đến thực hành nhằm bảo đảm an toàn lao động và đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh.
Hàng năm, người lao động ngành điện được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng |
Anh Nguyễn Anh Tuấn, nhân viên Điện lực Cư Jút cho biết, huyện Cư Jút có nhiều hộ dân sinh sống ở khu vực xa dân cư, đường giao thông không thuận lợi, nên mỗi khi xử lý sự cố lưới điện cũng rất khó khăn. Có những thời điểm, khi mưa vừa dứt, nhận được thông tin các hộ dân bị mất điện do cây cối ngã đổ làm đứt đường dây, anh em nhanh chóng đến hiện trường để khắc phục sự cố, bất kể đó là đêm hay ngày.
Công việc vất vả, có nhiều lúc gặp nguy hiểm, buộc người lao động phải thực sự vững về chuyên môn và tâm lý. Chính vì thế, ngoài những kinh nghiệm được tích lũy hàng ngày trong quá trình làm việc thực tế, anh Tuấn còn thường xuyên được đơn vị cử tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu.
“Một người thợ sửa chữa, quản lý đường dây và trạm cần phải nắm được kỹ thuật điện, kỹ thuật đường dây lưới điện, phải am hiểu rõ thiết bị về mặt nguyên lý và kết cấu mà mình đang quản lý. Đối với anh em ngành điện, được bồi dưỡng thêm kỹ năng, nghiệp vụ, được tiếp cận với những máy móc, thiết bị mới sẽ giúp tự tin hơn trong quá trình làm việc”, anh Tuấn cho hay.
Theo ông Trần Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực Đắk Nông, năm 2021 mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng đơn vị vẫn bảo đảm việc làm cho tất cả người lao động. Tiền lương, tiền làm thêm giờ, hay việc nâng bậc lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động… được đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng chuyên môn của người lao động ngành điện, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong đào tạo, xây dựng môi trường, hỗ trợ thúc đẩy văn hóa học tập, khuyến khích tự học tập và phát triển năng lực cá nhân. Để hướng tới chuẩn hóa năng lực, từng bước nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật, công ty còn cử cán bộ, nhân viên đi học tập dài ngày tại Tổng Công ty Điện lực miền Trung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 22.400 công nhân, viên chức, lao động. Với việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động cũng như tổ chức các hoạt động xã hội, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giúp người lao động yên tâm lao động, công tác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. |